Thách thức nào đang chờ đợi tân Thủ tướng Anh?
Ngày 25/10, ông Rishi Sunak đã chính thức trở thành Thủ tướng thứ 57 của Anh sau khi được Vua Charles III bổ nhiệm trong buổi lễ tại Điện Buckingham. Ông cũng là Thủ tướng da màu đầu tiên đồng thời là Thủ tướng trẻ nhất xứ sở sương mù trong hơn 200 năm qua. Trên cương vị mới, ông Rishi Sunak sẽ có trọng trách đem lại sự ổn định cho đất nước sau quãng thời gian bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế.
Đôi nét về tân Thủ tướng Anh
Gia đình ông Rishi Sunak di cư tới Anh vào những năm 1960. Sau khi tốt nghiệp Đại học Oxford, ông theo học Đại học Stanford và tại đây, ông đã gặp vợ mình là bà Akshata Murthy, con gái tỷ phú Ấn Độ N. R. Narayana Murthy, người sáng lập tập đoàn gia công phần mềm Infosys. Ông và vợ sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 730 triệu bảng Anh - gần gấp đôi khối tài sản của Vua Charles III và Vương hậu Camila (ước tính 300 - 350 triệu bảng). Cựu Bộ trưởng Tài chính 42 tuổi cũng gần như sánh ngang nhà vua ở số lượng nhà ở chính thức. Hồi đầu năm nay, ông Rishi Sunak trở thành chính trị gia cấp cao đầu tiên từng lọt vào danh sách người giàu nhất nước Anh của tờ Sunday Times.
Ông Rishi Sunak trở thành Nghị sĩ đảng Bảo thủ vào năm 2015 và hoạt động chính trị tích cực trong suốt 2 năm sau đó. Chương trình nghị sự chính của ông vào thời điểm đó chủ yếu xoay quanh Brexit, bản thân ông cũng ủng hộ việc Anh rời EU. Sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, ông được bổ nhiệm làm bộ trưởng cấp thấp (bộ trưởng không thuộc nội các) trong Chính phủ của cựu Thủ tướng Theresa May rồi sau đó trở thành Bộ trưởng Tài chính dưới thời Thủ tướng Boris Johnson. Ban đầu, ông là người ủng hộ mạnh mẽ ông Boris Johnson, nhưng sau đó đã từ chức với lý do ông cảm thấy cách tiếp cận nền kinh tế của mình về cơ bản quá khác so với cách tiếp cận của ông Boris Johnson. Bản thân ông Rishi Sunak nhận được khá nhiều tín nhiệm từ các đảng viên nghị sĩ lẫn người dân Anh khi công bố kế hoạch hỗ trợ mở rộng cho những người không thể đi làm trong thời gian phong tỏa do đại dịch COVID-19. So với bà Liz Truss, ông được cho là có lập trường mềm mỏng hơn trong một số vấn đề như Brexit và kinh tế.
Tháng 7/2022, ông Sunak từ chức Bộ trưởng Tài chính. Động thái này đã góp phần vào sự suy sụp của ông Boris Johnson với tư cách là lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh. Sau khi ông Boris Johnson từ chức, ông Rishi Sunak cũng là đối thủ của cựu Thủ tướng Liz Truss trong cuộc đua vào ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ hồi mùa hè. Trong quá trình tranh cử, ông nhiều lần chỉ trích các kế hoạch kinh tế của bà Truss, cảnh báo nó sẽ khiến nền tài chính công Anh “lâm nguy” và lạm phát tăng cao. Dù ông Rishi Sunak có lợi thế trong cuộc bỏ phiếu ở vòng đảng viên nghị sĩ nhưng lại thua trước bà Truss ở vòng 2 với các đảng viên cơ sở. Dù vậy ông đã chứng minh được gói cắt giảm thuế của Thủ tướng Liz Truss gây ra hỗn loạn trên thị trường vào tháng 9.
Kết quả là sau một thời gian nắm quyền ngắn ngủi, bà Liz Truss từ chức Thủ tướng Anh vào ngày 20/10. Giờ đây, nhiệm vụ ổn định nền kinh tế đang chao đảo của Anh sẽ được đặt lên trên vai ông. Trong bài phát biểu kín trước các nghị sĩ đảng Bảo thủ sau khi nhận tin chiến thắng, ông tuyên bố ưu tiên hàng đầu là bảo đảm ổn định kinh tế trong nước và thực thi những cam kết của đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử năm 2019. Ông cũng bác bỏ khả năng tổ chức tổng tuyển cử.
Những thách thức nặng nề
Tân Thủ tướng Anh được cho là sẽ thực hiện kế hoạch kinh tế mà ông đã vạch ra trong nỗ lực tranh cử trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ hồi đầu năm nay. Khi đó, ông chỉ trích kế hoạch kinh tế của bà Liz Truss, cho rằng điều này sẽ tàn phá nền kinh tế Anh. Ông đã đúng khi kế hoạch kinh tế của bà Liz Truss khiến đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, giá trái phiếu sụp đổ, khiến chi phí đi vay tăng cao và đẩy các quỹ hưu trí đến bờ vực vỡ nợ. Danh tiếng quốc tế của Anh đã bị ảnh hưởng từ trước khi bà Liz Truss nhậm chức.
Những vụ bê bối “bất tận” buộc ông Johnson phải rời nhiệm sở, cùng các vấn đề gây tranh cãi hậu Brexit, đã khiến các nhà lãnh đạo thế giới mất thiện cảm với Vương quốc Anh. Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa là Vương quốc Anh đã mất ảnh hưởng trên trường quốc tế. Sự ủng hộ đối với Ukraine đã khiến Anh - và đặc biệt là cá nhân ông Boris Johnson - được nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đánh giá cao. Sự nổi lên của ông Rishi Sunak được cho là do sự hỗn loạn trong vài tháng qua trên chính trường Anh. Ông được coi là một “đôi tay an toàn”, được đánh giá cao vì cách điều hành nền kinh tế trong đại dịch COVID-19, hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân với các chương trình chi tiêu lớn của chính phủ. Nhiệm vụ của ông hiện giờ rất rõ ràng: Mang lại sự bình yên. Ông Rishi Sunak phải kế thừa một chính đảng bị chia rẽ trong vài năm qua. Đảng Bảo thủ của năm 2022 được xác định bởi chủ nghĩa bè phái, khiến đảng này trở nên khó kiểm soát đối với cả ông Boris Johnson và bà Liz Truss.
Đảng Bảo thủ bị chia rẽ theo nhiều hướng chứ không chỉ là tả và hữu, nhưng thách thức lớn nhất mà ông Rishi Sunak có thể đối mặt là cánh dân túy ủng hộ Brexit vốn trung thành với ông Boris Johnson. Cựu cố vấn của đảng Bảo thủ Salma Shah chỉ ra rằng: “Thực tế, những nhân vật cứng rắn nhất trong nhóm cánh hữu ủng hộ Brexit có thể sẽ không ủng hộ bất kỳ ai vì họ biết rằng sẽ có một cuộc tranh cãi với Thủ tướng mới về Brexit. Một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Sunak sẽ là đàm phán Nghị định thư Bắc Ireland (một vấn đề gây tranh cãi trong thỏa thuận hậu Brexit). Nếu mọi việc không bắt đầu theo hướng mà họ muốn, họ có thể quay đầu”.
Trước mắt, việc kiểm soát nội bộ đảng Bảo thủ có thể nằm ngoài tầm tay của tân Thủ tướng Anh. Tuy nhiên, điều chắc chắn trong khả năng của ông là chính sách kinh tế và thỏa thuận với các đối tác quốc tế. Kịch bản hoàn hảo nhất cho ông Rishi Sunak là ông có thể mang lại sự ổn định kinh tế và từ đó mang lại sự ổn định chính trị. Tuy nhiên, theo những người quan sát lâu năm về chính trị Anh, hai điều này không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau.
Cựu lãnh đạo Cơ quan Kinh tế Chính phủ Vương quốc Anh Vicky Pryce cho biết: “Ông Sunak sẽ phải thực hiện nhiều chính sách vì kế hoạch kinh tế bà Truss không được lòng các nhóm khác nhau về mặt chính trị vì nhiều lý do”. Theo bà, điều đó có thể có nghĩa là "thắt lưng buộc bụng" để cân bằng ngân sách, đánh thuế thu nhập đối với các công ty năng lượng và đảo ngược một số ý tưởng của bà Liz Truss đối với các chủ ngân hàng. Các nghị sĩ và các cố vấn đảng Bảo thủ có quan điểm trái chiều với việc ông Rishi Sunak trở thành Thủ tướng mới của Anh. Một số cảm thấy hài lòng, một số tỏ ra bất mãn. Một số người cho rằng, ông Rishi Sunak sẽ quá mềm mỏng với Brexit.
Một số người cho rằng, cuộc bầu cử tiếp theo đã thất bại trước khi bắt đầu. Về lý thuyết, vẫn còn ít nhất hai năm cho đến khi cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sẽ được tổ chức tại Anh. Chừng đó thời gian là đủ để ông Rishi Rishi Sunak ổn định “con tàu” và khôi phục tín nhiệm của đảng Bảo thủ. Dù vậy, tân Thủ tướng có thể sẽ phải dành nhiều thời gian hơn để giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ đảng Bảo thủ, thay vì giải quyết những vấn đề lớn mà nước Anh đang phải đối mặt.