Thách thức chờ đợi Thủ tướng Anh

Thứ Năm, 09/06/2022, 08:27

Mới đây, ông Boris Johnson đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của nội bộ đảng Bảo thủ để tiếp tục giữ cương vị lãnh đạo đảng này và ghế Thủ tướng Anh. Tuy nhiên, việc chỉ đạt được 59% số phiếu ủng hộ phản ánh một thực tế rằng mức tín nhiệm của ông Johnson đã giảm đáng kể và điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới con đường chính trị của ông cũng như uy tín của đảng Bảo thủ sau 12 năm liên tục cầm quyền.

Truyền thông Anh ngày 8/6 đã đăng tải một loạt bài viết về các thách thức mà Thủ tướng Boris Johnson phải đối mặt sau khi ông vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của nội bộ đảng Bảo thủ với 211 phiếu ủng hộ và 148 phiếu chống. Theo đó, thách thức lớn nhất mà ông Johnson được cho là phải đối mặt sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm "sống còn" chính là việc củng cố niềm tin đối với người dân nước này.

0_the-conservative-party-announces-their-new-leader-and-prime-minister.jpg -0
Nhiều nghị sĩ Bảo thủ lo ngại mức tín nhiệm ngày một thấp của ông Johnson có thể kéo uy tín của đảng này chìm sâu. Nguồn: Dan Knitwood.

Thời gian qua, Thủ tướng Johnson và chính phủ của ông đã vướng vào hàng loạt bê bối, từ việc lên tiếng bảo vệ một nghị sĩ vi phạm các quy tắc vận động hành lang, đến việc một nghị sĩ khác bị kết tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và đặc biệt là việc ông cùng các nhân viên vi phạm quy tắc chống dịch hồi năm 2021 - thời điểm "xứ sở sương mù" áp lệnh phong tỏa ngăn sự lây lan COVID-19. Mặc dù ông Johnson cho rằng kết quả của cuộc bỏ phiếu tín nhiệm là "chiến thắng quyết định và thuyết phục" nhưng ngay cả các nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ ông dường như cũng không nghĩ như vậy.

Tờ The Guardian có đoạn: "Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, các nghị sĩ trung thành với ông Johnson đều thể hiện vẻ mặt buồn bã và nhanh chóng rời khỏi nghị trường chỉ trong hai phút. Số phiếu ủng hộ mà ông Johnson nhận được còn thấp hơn cả mức mà những đồng minh bi quan nhất của ông từng dự đoán".

Được biết, tỉ lệ 59% ủng hộ đối với ông Boris Johnson còn thấp hơn mức tín nhiệm 63% của người tiền nhiệm Theresa May trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 12/2018, bảy tháng trước khi bà từ chức. Các thủ tướng thuộc đảng Bảo thủ trước đó như bà Margaret Thatcher và ông John Major, cũng lần lượt ra đi chỉ một thời gian ngắn sau khi vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.

Trước những diễn biến nêu trên, ông Johnson đã chính thức lên tiếng, khẳng định sẽ tập trung vào những công việc mà nội các ưu tiên như giúp người dân có chi phí sinh hoạt và xoá bỏ các vấn đề tồn đọng vì COVID-19 cũng như tăng cường lực lượng tuần tra đường phố nhằm đảm bảo sự an toàn cho người dân. "Đây là cơ hội để tiếp tục đoàn kết và củng cố nền kinh tế của Anh", Thủ tướng Johnson nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak viết trên twitter: "Thủ tướng đã giành được tín nhiệm và giờ là lúc tiến lên phía trước. Chúng ta hãy trở lại làm việc để phát triển kinh tế và cung cấp các dịch vụ công tốt hơn". Ngoại trưởng Liz Truss và Bộ trưởng Nhà ở Michael Gove cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Thủ tướng Johnson, cho rằng đã đến lúc tập trung vào các vấn đề ưu tiên của người dân.

Hiện Văn phòng Thủ tướng đã ra một tuyên bố sẽ nhóm họp để đề ra tầm nhìn trong những tuần tới, bao gồm các chính sách mới nhằm giảm chi phí chăm sóc trẻ em và giúp người dân mua nhà riêng. Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, nhiều chuyên gia đã dự đoán Thủ tướng Johnson khó thất thế, bởi phe "nổi loạn" trong đảng gần như không thể thuyết phục đủ 180 nghị sĩ bỏ phiếu chống lại ông. Nhà phân tích chính trị và chính sách Luke McGee chia sẻ với CNN rằng, đảng Bảo thủ hiện cũng không có ứng viên nổi bật đủ khả năng thay thế ông Johnson.

Theo quy định hiện nay, Thủ tướng Johnson sẽ không phải đối mặt với bất cứ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nào khác trong ít nhất 12 tháng tới. Tuy nhiên, đang xuất hiện nhiều đồn đoán rằng các nghị sĩ Anh vẫn tìm cách sửa quy định để có thể tiếp tục tổ chức cuộc bỏ phiếu tín nhiệm khác, bởi họ lo ngại rằng nếu mức tín nhiệm của Thủ tướng Johnson tiếp tục suy giảm, ông cũng có thể kéo uy tín của đảng Bảo thủ chìm sâu.

Tờ New York Times phân tích rằng, đảng Bảo thủ đang đứng trước nguy cơ mất hai ghế nghị sĩ ở các cuộc bỏ phiếu địa phương, dự kiến tổ chức vào ngày 23/6 tới Tiverton và Honiton, Tây Nam nước Anh, và Wakefield ở Yorkshire sau khi hai nghị sỹ đảng này phải từ chức vì liên quan tới các bê bối tình dục. Nếu viễn cảnh này thành hiện thực, ngay cả những người ủng hộ trung thành nhất của ông Johnson cũng khó có thể tuyên bố rằng việc Thủ tướng mất lòng cử tri không liên quan gì đến uy tín của đảng. Khi đó, các nghị sĩ khác cũng có thể phải tự hỏi liệu họ có giữ được ghế của mình trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, dự kiến diễn ra vào năm 2024 hay không.

Để tránh tất cả những điều này, Thủ tướng Johnson cần phải vực dậy tỷ lệ tín nhiệm của mình cũng như đảng Bảo thủ nhưng đây sẽ là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh hiện nay, khi nước Anh đang trải qua cuộc khủng hoảng "bão giá" tồi tệ nhất nhiều thập kỷ.

Linh Đan
.
.
.