Tàu hàng vẫn ra vào cảng Ukraine sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen

Thứ Hai, 31/10/2022, 09:32

Một loạt tàu hàng vẫn ra vào cảng biển Ukraine bên bờ biển Đen để vận chuyển ngũ cốc, dù Nga trước đó tuyên bố rút khỏi thỏa thuận đã kí cùng Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc.

Interfax dẫn thông báo của Văn phòng Trung tâm Điều phối chung (JCC) hoạt động xuất khẩu ngũ cốc Ukraine trên biển Đen ngày 31/10 cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ) đang tìm cách duy trì xuất khẩu ngũ cốc Ukraine, sau khi Nga hôm 30/10 thông báo rút khỏi Sáng kiến ​​Ngũ cốc Biển Đen.

Tàu hàng vẫn ra vào cảng Ukraine sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen -0
Một con tàu chờ nhận ngũ cốc tại cảng Odessa của Ukraine. Ảnh: CNBC

JCC được thành lập tháng 7/2022 nhằm giám sát hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua ngả Biển Đen theo tinh thần các thỏa thuận được Nga, Ukraine kí kết riêng với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Interfax, bất chấp sự rút đi của Nga, 3 bên gồm Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ đã nhất trí về kế hoạch di chuyển của 14 tàu hàng trên Biển Đen trong ngày 31/10, trong đó 12 chiếc sẽ đưa ngũ cốc rời Ukraine, hai chiếc sẽ cập cảng Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ cùng LHQ đề xuất bố trí 10 nhóm chuyên gia tới giám sát 40 tàu hàng dự kiến khởi hành từ các cảng Ukraine. "Kế hoạch này được thông qua bởi phái đoàn Ukraine, phái đoàn Nga đã nhận thông báo", JCC thông tin.

Nga chưa bình luận về các diễn biến kể trên. Moscow trước đó nêu rõ lí do họ rút khỏi các thỏa thuận là bởi Ukraine đã lợi dụng hành lang ngũ cốc để triển khai thiết bị không người lái tấn công tàu thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga ở Sevastopol, thành phố lớn nhất trên bán đảo Crimea.

Nga và Ukraine là hai nhà xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp hàng đầu, chiếm khoảng 1/3 lượng lúa mì cung cấp cho thị trường thế giới. Ngoài ra, Nga còn là nhà sản xuất phân bón lớn.

Chiến sự nổ ra, Ukraine nói họ không thể đưa ngũ cốc ra thị trường với lí do các cảng bên bờ Biển Đen bị phong tỏa, còn Nga gặp khó trong xuất khẩu nông sản và phân bón vì các lệnh trừng phạt phương Tây.

Các thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ làm trung gian ra đời được kì vọng sẽ giải quyết vấn đề của cả Nga và Ukraine. Trong đó, Nga sẽ tạo điều kiện thiết lập hành lang an toàn để tàu bè đến và rời các cảng biển Ukraine được chỉ định; JCC làm nhiệm vụ giám sát tàu bè chỉ chở ngũ cốc; LHQ cam kết vận động phương Tây mở đường để Nga cũng được xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.

Tuy vậy, sau hơn 2 tháng, Ukraine đã xuất khẩu thành công hơn 9 triệu tấn ngũ cốc các loại, đạt quy mô gần tương đương trước chiến sự, còn Nga chưa thể đưa phân bón và ngũ cốc của họ ra thị trường quốc tế.

Thái Hà
.
.
.