Quốc tế phản ứng ra sao với chính phủ mới của Taliban?

Thứ Tư, 08/09/2021, 15:32

Việc Taliban công bố một chính phủ lâm thời do lực lượng vũ trang Hồi giáo này kiểm soát toàn bộ đã kéo theo những phản ứng thận trọng của cộng đồng quốc tế.

Hơn 3 tuần từ thời điểm chiếm quyền kiểm soát thủ đô Kabul, Taliban ngày 7/9 đã công bố nội các mới được lãnh đạo bởi Mullah Hassan Akhund, người đứng đầu hội đồng lãnh đạo Taliban và được đánh giá là có quan hệ gần gũi với thủ lĩnh tối cao hiện nay của Taliban, ông Hibatullah Akhundzada.

Quốc tế phản ứng ra sao với chính phủ mới của Taliban? -0
Mullah Hassan Akhund, người sẽ giữ ghế Thủ tướng lâm thời trong chính quyền Taliban. Ảnh: Reuters

Abdul Ghani Baradar, người mà giới truyền thông phương Tây cách đây vài hôm tiết lộ là có thể nắm giữ vị trí cao nhất trong chính quyền mới của Taliban, được lựa chọn làm Phó Thủ tướng. Các vị trí cấp cao khác cũng thuộc về những nhân vật có quyền lực của Taliban.

Trả lời phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một chở Tổng thống Mỹ Joe Biden đến New York hôm 7/9, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki khẳng định Mỹ không có kế hoạch công nhận chính phủ lâm thời do Taliban lập ra ở Kabul.

"Không có lí do gì để vội vã công nhận Taliban. Điều đó phụ thuộc việc Taliban sẽ hành ra sao.  Cộng đồng quốc tế, bao gồm Mỹ, sẽ theo dõi sát", bà Psaki phát biểu.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố khẳng định Washington sẽ "đánh giá Taliban qua hành động, không phải lời nói". "Chúng tôi lưu ý danh sách nội các được công bố chỉ có tên của các thành viên Taliban hoặc những cộng sự thân cận của họ và không có phụ nữ. Chúng tôi cũng lo ngại về các mối quan hệ cũng như hồ sơ một số người", thông điệp của Bộ Ngoại giao Mỹ có đoạn, theo AP.

Phía Nga ngày 8/9 cũng nhấn mạnh nước này chưa sẵn sàng công nhận Taliban. Nga gần đây tỏ ý sẵn sàng hợp tác với Taliban vì lợi ích của hai bên và cộng đồng quốc tế, song Moscow vẫn liệt Taliban vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phản ứng một cách thận trọng khi nói rằng: “Thật khó để gọi đó là chính phủ lâu dài, dù một nội các lâm thời đã được công bố. Chúng tôi không biết nội các này sẽ tồn tại bao lâu. Lúc này, chúng tôi cần theo dõi tiến trình này một cách sát sao”.

Từ Doha, một quan chức hàng đầu của Qatar nói với AFP rằng, Taliban rất "thực dụng" và nhóm cần được đánh giá dựa trên những hành động trên thực tế. Quan chức này cũng khẳng định, Taliban rõ ràng đang là lực lượng nắm quyền lực trên thực tế ở Afghanistan.

Liên minh châu Âu (EU) hiện chưa đưa ra bình luận về thành phần chính quyền Taliban, song người phụ trách chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell đã từng nhấn mạnh, châu Âu không có kế hoạch công nhận chính quyền của Taliban ở Afghanistan.

Tuy nhiên, EU đã thông báo kế hoạch hợp tác có chọn lọc với Taliban nhằm cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho người dân Afghanistan.

Theo AlJazeera, ông Farhan Haq, phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) thì nói rằng cơ quan này không tham gia vào hành động công nhận các chính phủ.

"Đó là vấn đề được thực hiện bởi các quốc gia thành viên. Theo quan điểm của chúng tôi, một cuộc đối thoại quy mô bao trùm mới có thể mang lại hòa bình bền vững cho Afghanistan", quan chức Taliban nói.

Theo New York Times, giai đoạn Taliban nắm quyền từ 1996-2001, chỉ có 3 quốc gia công nhận chính quyền Taliban, gồm Pakistan, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Arab Saudi. Tuy nhiên, Taliban đã đánh mất dần sự công nhận đó do dính líu đến các tổ chức khủng bố.

Từ khi tiến vào Kabul, Taliban nhiều lần hứa xây dựng một chính phủ cởi mở, đa thành phần. Tuy nhiên, thành phần nội các vừa được công bố là chỉ dấu rằng, Taliban chưa sẵn sàng thỏa hiệp trước áp lực quốc tế đòi hỏi một chính quyền mới với sự tham gia của đông đảo tầng lớp ở Afghanistan.

Thiện Nhân
.
.
.