Quốc gia Đông Nam Á đầu tiên tiêm 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19
Indonesia đã tiêm hơn 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, đứng đầu Đông Nam Á về số lượng và đứng thứ 6 về tỷ lệ dân chúng được chủng ngừa đầy đủ.
BangkokPost ngày 2/9 dẫn dữ liệu từ hệ thống giám sát tiêm chủng vaccine của Bloomberg cho hay, ít nhất 23% trong tổng số 270 triệu dân Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới, đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19, trong khi 13% dân số đã được chủng ngừa đầy đủ.
Indonesia hiện đứng thứ 7 toàn cầu về số liều vaccine ngừa COVID-19 được tiêm, đồng thời là quốc gia tiêm được nhiều vaccine nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, xét về tỷ lệ dân chúng được tiêm chủng đầy đủ, Indonesia đứng thứ 6 ở khu vực, sau Singapore, Campuchia, Malaysia, Lào và Đông Timor – các quốc gia có dân số thấp hơn, theo dữ liệu của FT.
Với kết quả này, Indonesia đã hoàn tất mục tiêu tiêm chủng giai đoạn đầu của WHO. Trước đó, WHO đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 10% dân số ở mỗi quốc gia vào cuối tháng 9/2021, 40% dân số vào cuối năm 2021 và 70% dân số của mỗi quốc gia vào giữa năm 2022.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn cho rằng Indonesia cần tăng tốc hơn nữa chiến dịch tiêm chủng, trong bối cảnh dịch tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn diễn biến phức tạp. Tính đến sáng 3/9, Indonesia ghi nhận hơn 4,1 triệu ca nhiễm và 134.350 ca tử vong vì COVID-19.
Chính phủ Indonesia cách đây không lâu đặt mục tiêu tiêm 2,5 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 mỗi ngày vào tháng 8 và tháng 9, song mới tiêm được khoảng một triệu liều mỗi ngày.
Theo dữ liệu của ChinaDaily, Indonesia đã nhận hơn 200 triệu liều vaccine, tính đến ngày 23/8, trong đó 80% là vaccine do hãng dược Trung Quốc Sinovac cung cấp, còn lại là vaccine của Sinopharm, AstraZeneca, Moderna và Pfizer.
Hồi tháng 7/2021, Indonesia đã tăng ngân sách dành cho y tế trong năm 2021 từ 87,6 nghìn tỷ rupiah (6,1 tỷ USD) theo kế hoạch ban đầu lên 194 nghìn tỷ rupiah (13,5 tỷ USD) để tăng cường năng lực xét nghiệm, truy vết ca bệnh và cải thiện công tác điều trị người nhiễm COVID-19.