Quan chức Mỹ-Trung hội đàm sau thời gian "im hơi lặng tiếng"

Thứ Tư, 06/10/2021, 07:58

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ hội đàm với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Thụy Sĩ trong ngày 6/10, duy trì cam kết của cả hai nước nhằm tăng cường giao tiếp trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng sâu sắc, Reuters đưa tin. 

l6syfwsc5bpyjoj2hstcd3dayy.jpg -0
Cố vấn ANQG Mỹ Jake Sullivan. Ảnh Reuters. 

Cuộc họp tại Zurich, Thụy Sĩ, diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về một loạt các vấn đề. Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của cố vấn Jake Sullivan với ông Dương Khiết Trì kể từ khi hai quan chức này tranh cãi gay gắt tại lần “chạm mặt” hồi tháng 3 ở Alaska. Cuộc gặp có sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken.

Nhà Trắng cho biết, cuộc gặp diễn ra sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 9/9, “trong bối cảnh hai nước tiếp tục tìm cách kiểm soát sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo đã chấm dứt khoảng 7 tháng im lặng giữa hai nước, trong đó, ông Biden và ông Tập đã thảo luận về sự cần thiết phải đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa hai bên không trở thành xung đột, trong bối cảnh mối quan hệ song phương đang chìm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ

Ngoại trưởng Blinken từng có cuộc điện đàm với ông Dương Khiết Trì hồi tháng 6, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác và minh bạch về nguồn gốc của COVID-19 và đề cập đến các chủ đề gây tranh cãi khác.

Tờ South China Morning Post dẫn lời một quan chức ngoại giao Trung Quốc cho biết mục tiêu của cuộc gặp tại Zurich là “xây dựng lại các kênh liên lạc và thực hiện sự đồng thuận đã đạt được” giữa ông Tập và ông Biden.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang là vấn đề hàng đầu giữa hai nước, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, hiện đang có mặt tại Paris để tham dự các cuộc họp của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, cho biết bà hy vọng sẽ sớm tổ chức các cuộc thảo luận với các đối tác Trung Quốc.

Các cuộc đàm phán giữa quan chức của hai cường quốc kể từ khi ông Biden nhậm chức cho đến nay chưa có nhiều tiến triển. Các quan chức Mỹ cho biết cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Tập là một “bài kiểm tra” xem liệu sự tham gia trực tiếp của cấp cao nhất có thể chấm dứt sự bế tắc trong quan hệ hay không.

Sau cuộc điện đàm này, ông Biden đã phủ nhận thông tin báo chí đưa rằng ông Tập đã từ chối lời đề nghị từ ông Biden về việc tổ chức một cuộc gặp trực tiếp.

Kể từ đó, Mỹ đã thực hiện một loạt các biện pháp nhằm tăng cường “răn đe” Trung Quốc với sự phối hợp của các đồng minh.

Đáng chú ý phải kể đến việc công bố quan hệ đối tác ba bên với Anh và Australia, được gọi là AUKUS, nhằm cung cấp cho Australia các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ông Biden cũng tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên với Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, trong đó các nhà lãnh đạo “Bộ tứ” tuyên bố hành động vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở “không bị ép buộc”.

Tiến Dũng
.
.
.