Pháp: Australia muốn hủy hợp đồng tàu ngầm cũng phải "đúng quy trình"

Thứ Năm, 23/09/2021, 11:31

France 24 ngày 23/9 dẫn lời Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, việc Australia đơn phương hủy hợp đồng tàu ngầm với nước này cũng cần tuân thủ các bước được nêu trong khung thỏa thuận giữa hai bên.

Theo Ngoại trưởng Le Drian, quy trình hủy bỏ hợp đồng mua 12 tàu ngầm trị giá hơn 40 tỷ USD giữa Australia và Pháp có thể kéo dài tới 3 năm. Ông Le Drian nêu rõ: "Cần 12 tháng thảo luận để xác nhận hủy hợp đồng, sau đó là 24 tháng để hợp thức hóa điều này. Chúng tôi muốn biết phía Australia sẽ thực thi những điều khoản trong hợp đồng như thế nào". 

Đáp lại, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Australia cho hay, Canberra không cần tới 12 tháng để hủy hợp đồng với tập đoàn đóng tàu Naval Group. Tuy nhiên, Canberra thừa nhận có thỏa thuận khung riêng rẽ với chính phủ Pháp và cam kết sẽ thực thiện theo quy trình nhằm chấm dứt thỏa thuận. 

Pháp: Australia muốn hủy hợp đồng tàu ngầm cũng phải
Vụ việc Australia hủy hợp đồng tàu ngầm khiến Pháp thiệt hại khoảng 65 tỷ USD.
Ảnh: Hải quân Pháp. 

Trước đó, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, tập đoàn đóng tàu Naval Group sẽ gửi yêu cầu bồi thường đến Australia về những chi phí đã và sẽ bỏ ra liên quan tới tái điều động nhân lực và ngừng sử dụng cơ sở hạ tầng. 

Được biết, Naval Group đã chi 1,1 tỷ USD cho giai đoạn đầu trong hợp đồng với Canberra, nhưng đây là khoản tiền đã được Australia thanh toán trước. 

Theo giới chuyên gia, Pháp ước tính mất khoảng 65 tỷ USD trong thương vụ tàu ngầm với Australia. Và sự việc này có thể ảnh hưởng rất lớn đến ngành công nghiệp quốc phòng Pháp những năm tới.

Không những vậy, thất bại trong thương vụ tàu ngầm còn làm dấy lên những lo ngại lâu nay của người Pháp về việc đánh mất ảnh hưởng toàn cầu. 

Trong một diễn biến có liên quan, Phủ Tổng thống Pháp hôm 22/9 phát ra thông cáo chung cùng Nhà Trắng, cho biết hai nước Pháp - Mỹ cam kết xây dựng lại niềm tin sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ, Joe Biden.

Cuộc điện đàm này do phía Mỹ đề xuất với mục đích xoa dịu sự tức giận của phía Pháp, sau khi Pháp phản ứng quyết liệt bằng việc chỉ trích gay gắt liên minh AUKUS giữa Australia, Anh và Mỹ, đồng thời lần đầu tiên trong lịch sử triệu tập các Đại sứ Pháp tại Mỹ và Australia về nước. 

Linh Đan
.
.
.