Pakistan khốn đốn vì đợt lũ lụt lịch sử
Đợt lũ lụt tồi tệ nhất lịch sử Pakistan nhấn chìm khoảng 1/3 diện tích quốc gia Nam Á, cướp đi 1.200 sinh mạng, trong đó gần 400 nạn nhân là trẻ nhỏ. Ở nhiều khu vực, đường sá, nhà cửa, hoa màu đã biến mất, hòa thành một dòng với các con sông, đẩy hàng triệu người vào cảnh khốn đốn.
Sau những trận mưa lớn kéo dài triền miên từ tháng 6/2022, hơn 265.000km2, tức khoảng 1/3 diện tích Pakistan, đã bị nước lũ nhấn chìm trong thảm họa thiên nhiên được Thủ tướng nước này Shebaz Sharif mô tả là tồi tệ nhất lịch sử.
Những hình ảnh do hãng Planet Labs và Maxar ghi lại cho thấy làng mạc, nhà cửa hay những cánh đồng xanh biếc cách đây vài tháng, vốn là trụ cột của nền kinh tế quốc gia Nam Á, giờ nhuốm màu nâu của bùn nước. Ở hầu khắp miền Nam Pakistan, đường sá, nhà cửa đã biến mất, hòa thành một dòng với các con sông.
Tính đến ngày 1/9, 1.191 người đã thiệt mạng, trong đó 399 nạn nhân là trẻ em, hàng triệu người khác phải rời bỏ nhà cửa. Hơn 33 triệu người, tức 15% dân số Pakistan chịu ảnh hưởng. Giới chức nước này ước tính cần 10 tỷ USD chỉ để sửa chữa cơ sở hạ tầng, Reuters đưa tin.
Mưa tạm dừng ở một số khu vực, nhưng giới chức Pakistan lo ngại mực nước trên sông Indus vẫn đang tăng. Ông Murtaza Wahab, phát ngôn viên chính quyền tỉnh Sindh của Pakistan ngày 1/9 nói với Reuters rằng, địa phương của ông đang “trong tình trạng báo động” vì nước từ hạ nguồn lũ lụt phía Bắc dự kiến sẽ tràn vào tỉnh trong những ngày tới. Tỉnh Sindh có dân số 50 triệu người, đã bị thiệt hại nặng nhất trong đợt lũ vừa qua khi ghi nhận những trận mưa nhiều hơn gần 400% so với trung bình 30 năm. Việc các dòng sông băng tan nhanh cũng góp phần khiến mực nước tăng cao.
Theo Guardian, nước lũ dâng còn kéo theo một mối nguy nghiêm trọng khác là khả năng bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm. Mưa kéo dài vài tháng cộng với việc các dòng sông băng trên núi cao tan chảy trong nắng nóng khiến người dân bị mắc kẹt và không được tiếp cận với nước sạch, số ca tiêu chảy và sốt rét ở Pakistan tăng chóng mặt.
Các nhà chức trách cho biết, họ lo ngại sự lây lan của các bệnh qua đường nước sau lũ sẽ tạo ra gánh nặng cho các cơ sở y tế. Ông Arif Jabbar Khan, Giám đốc tổ chức WaterAid Pakistan, người vừa thị sát tỉnh Sindh, mô tả: “Nhiều gia đình đang sống bên bờ kênh, sông bị nước tràn vào trong những túp lều xiêu vẹo bằng tre và nhựa. Họ thậm chí đã phải uống nước lũ vì không còn lựa chọn nào khác. Đây là con đường làm bùng phát dịch bệnh trên diện rộng”. Tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, chính quyền địa phương ghi nhận hàng trăm người đã mắc các bệnh lây nhiễm vì tiếp xúc với nước bẩn.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông tin thêm, hơn 880 phòng khám ở Pakistan đã bị hư hại, buộc họ phân bổ khẩn 10 triệu USD hỗ trợ y tế khẩn cấp. WHO cho biết, họ đang làm việc với chính phủ Pakistan để ứng phó với sự bùng phát của bệnh tiêu chảy, dịch tả. Cơ quan này cảnh báo lũ lụt cũng làm gia tăng khả năng mắc bệnh sốt rét và sốt xuất huyết trong các khu dân cư.
Cùng thời điểm, Liên Hợp Quốc (LHQ) ra thông cáo kêu gọi cộng đồng quốc tế viện trợ khẩn cấp khoảng 160 triệu USD để hỗ trợ khẩn cấp thức ăn, nước uống, vệ sinh và nơi ở tạm thời cho hơn 6,4 triệu người dân.
“Hơn ba triệu trẻ em đang cần hỗ trợ nhân đạo và có nguy cơ gia tăng mắc các bệnh lây truyền, chết đuối và suy dinh dưỡng”, cơ quan trẻ em LHQ cảnh báo. Tuy vậy, do căng thẳng ngoại giao, Pakistan vẫn chưa “bật đèn xanh” cho phương án nhập khẩu lương thực từ nước láng giềng Ấn Độ. Tuần vừa qua, nhiều quốc gia trong khu vực, nổi bật như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đã tích cực viện trợ Pakistan bằng các chuyến bay chứa đầy thuốc men, lương thực, nhưng giới chuyên gia mô tả những chuyến bay đó mới chỉ giải quyết được nhu cầu của một số ít người.
Giống như hạn hán ở châu Âu, Pakistan đổ lỗi cho tình trạng biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ra lũ lụt.
Theo một nghiên cứu được công bố năm 2021, tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến cho mùa mưa tại khu vực Nam Á ngày càng trở nên khắc nghiệt và thất thường. Lượng mưa trong khu vực tăng 5%, còn nhiệt độ trung bình của Trái đất tăng thêm một độ C.
Trong khi đó, các chuyên gia nhận định, địa hình đồi núi tại Pakistan, tình trạng hư hỏng của hệ thống đê điều cùng với việc người dân nước này chưa được chuẩn bị để đối phó với những thảm họa tự nhiên trên quy mô lớn cũng là các nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại nặng nề.
“Chi phí để phục hồi với một quốc gia thiếu tiền mặt như Pakistan là rất lớn”, bà Teresa Anderson, đại diện tổ chức ActionAid International nêu quan điểm. “Lũ lụt ở Pakistan cho thấy tại sao các cuộc đàm phán về khí hậu của LHQ cần nhanh chóng đạt được một cơ chế tài trợ mới”.