Ông Putin đề cao sáng kiến của Trung Quốc xử lý khủng hoảng Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá cao cách tiếp cận của Trung Quốc trong xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, nhưng cho rằng Kiev chưa sẵn sàng đối thoại.
Trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã trước thềm chuyến thăm Trung Quốc (từ 16 đến 17/5), Tổng thống Nga Putin khẳng định quan hệ chiến lược Nga-Trung đang ở "mức cao chưa từng có" và đó là lí do ông lựa chọn Bắc Kinh là điểm đến đầu tiên sau khi nhậm chức nhiệm kì mới, RiaNovosti hôm nay (15/5) đưa tin.
"Trung Quốc trở thành là đối tác thương mại hàng đầu của Nga trong 13 năm liền; và Nga từ năm 2023 vươn lên vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng các đối tác thương mại của Trung Quốc", ông Putin nêu.
Theo nhà lãnh đạo Nga, hai nước đã tăng gấp đôi kim ngạch thương mại từ 111 tỷ USD (năm 2018) lên gần 228 tỷ USD (năm 2023). Trong đó, hơn 90% các khoản thanh toán giữa các doanh nghiệp hai bên được thực hiện bằng đồng ruble hoặc Nhân dân tệ (NDT).
Đáng chú ý, Tổng thống Putin đánh giá Moscow và Bắc Kinh "có quan điểm giống nhau về các vấn đề then chốt trong chương trình nghị sự quốc tế". Ông cho rằng, hai nước cùng không đồng tình với kiểu trật tự thế giới mà phương Tây tìm cách áp đặt.
Về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Tổng thống Putin khẳng định Nga sẵn sàng đàm phán để tìm kiếm "một giải pháp toàn diện, bền vững và công bằng thông qua các biện pháp hòa bình", nhưng ông nhận định, Kiev chưa sẵn sàng tham gia một tiến trình như vậy.
"Chúng tôi luôn sẵn sàng đối thoại về Ukraine", ông Putin nêu. "Nhưng đó phải là những cuộc đàm phán có tính đến lợi ích của tất cả các nước liên quan đến cuộc xung đột, bao gồm lợi ích của Nga".
Ông Putin cũng tuyên bố ông "đánh giá tích cực cách tiếp cận của Trung Quốc nhằm giải quyết khủng hoảng Ukraine". "Ở Bắc Kinh, họ thực sự hiểu rõ nguyên nhân gốc rễ cũng như tác động chính trị toàn cầu của cuộc xung đột này", Tổng thống Nga phát biểu.
Trung Quốc năm ngoái công bố kế hoạch 12 điểm để xử lý khủng hoảng ở Ukraine, đưa ra những nội dung như kêu gọi ngừng bắn, nối lại đàm phán hòa bình, tránh rủi ro hạt nhân, giảm tác động từ cuộc khủng hoảng lên kinh tế thế giới và giải quyết các vấn đề nhân đạo.
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Bắc Kinh tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra các nguyên tắc bổ sung kêu gọi hạ nhiệt tình hình, tạo điều kiện thiết lập lại hòa bình, ổn định và giảm thiểu tác động đến kinh tế thế giới.