Nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran 2015

Thứ Năm, 17/03/2022, 09:12

Cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 có thể trở thành lĩnh vực hiếm hoi chứng kiến sự đồng thuận giữa Nga và Mỹ khi Moscow mới đây xác nhận họ đã được Washington đảm bảo rằng, các lệnh trừng phạt liên quan đến tình hình Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác Nga-Iran.

Trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran 2015, được biết đến với tên gọi Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 15/3 đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Iran Hossein Amirabdollahian ở thủ đô Moscow, thông tấn TASS đưa tin. Tại họp báo sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết, một trong những yếu tố cản trở các cuộc đàm phán ở Vienna đã được giải quyết, khi Mỹ đã đảm bảo bằng văn bản rằng, các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow liên quan đến tình hình Ukraine sẽ không ảnh hưởng đến hợp tác Nga-Iran. "Chúng tôi đã nhận được văn bản đảm bảo. Văn bản này nằm trong nội dung thỏa thuận nối lại JCPOA", Ngoại trưởng Lavrov nói.

JCPOA được ký năm 2015 giữa Iran và các cường quốc P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), trong đó quy định Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lại việc dỡ bỏ các biện pháp cấm vận quốc tế. Thỏa thuận này đã tiến sát bờ vực đổ vỡ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hồi tháng 5/2018 rồi tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương chống Iran, còn Tehran trả đũa bằng cách từ bỏ nhiều cam kết trong JCPOA, bao gồm việc thúc đẩy chương trình hạt nhân.

ap22074450053107.jpg -0
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (phải) và người đồng cấp Iran Hossein Amirabdollahian. Ảnh: AP

Sau khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ và phát tín hiệu muốn khôi phục văn kiện, từ tháng 4/2021, các bên đã tiến hành 8 vòng đàm phán tại Vienna. Tiến trình đàm phán được đánh giá là đang đi đến giai đoạn cuối và một dự thảo thỏa thuận nối lại JCPOA đã được phác thảo sơ bộ. Tuy nhiên, đối thoại đã tạm dừng cách đây ít hôm theo đề nghị của Nga. Moscow yêu cầu phương Tây đảm bảo rằng, các biện pháp trừng phạt chống Nga của Mỹ liên quan tình hình Ukraine không ảnh hưởng đến quan hệ Nga-Iran, bởi Moscow là bên giúp xây dựng và vận hành nhà máy điện năng lượng hạt nhân Busherhr duy nhất của Tehran.

Trong khi phương Tây chỉ trích Nga cản trở nỗ lực cứu vãn JCPOA, Ngoại trưởng Iran cho rằng yêu cầu của Moscow là phù hợp và đề cao cách tiếp cận của Nga tại Vienna "mang tính xây dựng", đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng cách tiếp cận này sẽ được duy trì cho đến khi các bên đạt một "thỏa thuận tốt đẹp, ổn định và bền vững". Theo quan chức Iran, "Nga không phải là trở ngại cho tiến trình đàm phán" và không có bất kỳ liên hệ nào giữa diễn biến ở Ukraine với đàm phán ở Vienna".

"Nút thắt" liên quan đến Nga được tháo gỡ, Ngoại trưởng Iran tái khẳng định, "quả bóng đã ở bên sân Mỹ" và Washington cần có thêm một vài bước đi thực chất với quyết tâm chính trị cao để khôi phục JCPOA. "Nếu Washington phản hồi một số ít vấn đề quan trọng còn tồn tại và không lãng phí thời gian thêm nữa, các cuộc đàm phán tại Vienna có thể sớm kết thúc", ông Amirabdollahian nói.

Từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 15/3 xác nhận Mỹ sẽ không áp đặt trừng phạt đối với các dự án hạt nhân Nga tham gia tại Iran trong khuôn khổ JCPOA. Tuy nhiên, ông này khẳng định sẽ không để Nga lợi dụng thỏa thuận này để né tránh các biện pháp trừng phạt. Tuyên bố này được cho là có thể vấp phải những phản ứng nhất định của Moscow, khi hai bên tiếp tục có những khác biệt trong diễn giải câu chữ.

Theo Reuters, Mỹ và Iran hiện vẫn còn một số bất đồng xung quanh lộ trình Washington dỡ bỏ trừng phạt và cách thức Tehran tái tuân thủ các điều khoản của JCPOA. Mỹ lâu nay duy trì quan điểm họ chỉ dỡ bỏ từng phần các lệnh trừng phạt, còn Iran muốn Washington dỡ bỏ lập tức toàn bộ lệnh cấm vận cũng như cam kết không bao giờ rời khỏi JCPOA một lần nữa.

Trong bối cảnh nguồn cung dầu mỏ của Nga cho thị trường toàn cầu bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt của phương Tây, giới quan sát nhận định, Mỹ có thể sẵn sàng chấp nhận một số nhượng bộ để sớm cứu vãn JCPOA, từ đó dỡ bỏ bớt cấm vận với Iran và cho phép Tehran tiếp cận trở lại thị trường dầu mỏ. Trước khi Mỹ rút khỏi JCPOA, Iran từng xuất khẩu đến 2,8 triệu thùng dầu mỗi ngày, theo Reuters, tương đương 1/4 nguồn cung thông thường của Nga.

Hiện các bên vẫn chưa thông báo lịch nối lại đàm phán ở Vienna. Giới quan sát nhận định, nếu không có thỏa thuận nào đạt được trong tháng 3/2022, phương Tây có thể sẽ rời khỏi cuộc đàm phán. Điều này đồng nghĩa với việc JCPOA sẽ sụp đổ, căng thẳng lại leo thang ở Trung Đông liên quan tới vấn đề hạt nhân, với những tác động lâu dài về an ninh và kinh tế.

Tuy vậy, ngay cả khi các bên đạt thỏa thuận thì văn bản này vẫn vấp phải sự phản đối nhất định trong Quốc hội Mỹ, khi 49/50 thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa không chấp thuận việc khôi phục JCPOA, cho rằng động thái này không "chặn được hoàn toàn" khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran; không hạn chế được chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran; cũng như không thể giảm thiểu sự ủng hộ của Iran đối với các lực lượng vũ trang ở nhiều nước Trung Đông, những cáo buộc mà Tehran lâu nay cương quyết bác bỏ.

Thiện Nhân
.
.
.