Những bước ngoặt mới nguy hiểm

Thứ Hai, 17/10/2022, 07:55

Cuộc xung đột kéo dài hơn 8 tháng qua giữa Nga và Ukraine đang đứng trước những bước ngoặt mới nguy hiểm. Trong khi các thành viên NATO ráo riết gửi vũ khí và tăng cường hệ thống phòng không cho Ukraine, Nga cũng cảnh báo “những lằn ranh đỏ” mà phương Tây không nên vượt qua.

Tại hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á diễn ra hồi tuần trước tại Kazhakstan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan một lần nữa khẳng định mong muốn tiếp tục nỗ lực thúc đẩy giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo ông, mục tiêu của Ankara là thúc đẩy các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, cũng như đảm bảo việc thực thi các thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc. Ông nói: “Chúng tôi quyết tâm tăng cường và tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc theo thỏa thuận Istanbul, cũng như ngũ cốc và phân bón của Nga sang các nước kém phát triển hơn thông qua Thổ Nhĩ Kỳ. Tôi nghĩ điều này sẽ tạo ra nhiều cán cân có lợi cho chúng ta trên thế giới”.

Những bước ngoặt mới nguy hiểm -0
Xe cộ bị cháy rụi trong một cuộc không kích của Nga vào Kiev. Ảnh: AP

Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, mới đây Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đề nghị làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman bày tỏ việc Vương quốc Hồi giáo sẵn sang tiếp tục các nỗ lực trung gian và ủng hộ mọi bước đi góp phần giảm căng thẳng trong cuộc xung đột hiện nay giữa Moscow và Kiev.

Những nỗ lực này được các bên đón nhận một cách tích cực. Nga đã để ngỏ khả năng đàm phán và sẵn sàng đón nhận các đề xuất mới cũng như làm việc với các quốc gia có ảnh hưởng để tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột. Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh: “Nga sẵn sàng đàm phán và đây cũng chính là những gì mà chúng tôi vẫn luôn nói tới. Chúng tôi đã đạt được một số thỏa thuận ở Istanbul. Những thỏa thuận đó gần như đã được ký tắt. Nhưng ngay sau khi quân đội Nga rút khỏi Kiev, giới lãnh đạo ở Ukraine đã mất hết mong muốn đàm phán. Nếu Ukraine thực sự mong muốn thì tất cả các nỗ lực đàm phán sẽ được thực hiện”. Tuy nhiên các nỗ lực hòa giải đang ngày một khó khăn hơn cùng với những diễn biến căng thẳng trên thực địa và những dự đoán về khả năng Mỹ và phương Tây vượt ra ngoài khái niệm hỗ trợ Ukraine để tham chiến trong thời gian tới. Cả Nga và NATO đều được cho là sẽ tiến hành các cuộc tập trận hạt nhân quy mô lớn trong những tuần tới.

Theo kế hoạch, khoảng 14 quốc gia thành viên NATO sẽ tham gia vào cuộc tập trận “Steadfast Noon” bắt đầu từ ngày 17/10 ở Tây Âu, cách biên giới Nga 1.000km. Cuộc tập trận dự kiến kéo dài 2 tuần, có sự tham gia của 50 tiêm kích, máy bay hộ tống, trinh thám và tiếp dầu – những yếu tố cần thiết cho một nhiệm vụ hạt nhân.

Đài truyền hình VRT NWS của Bỉ đưa tin, cuộc tập trận của NATO sẽ bao gồm các chuyến bay từ một căn cứ không quân ở phía Đông Bắc của Bỉ để kiểm tra các quy trình liên quan đến việc thả bom hạt nhân. Khi được hỏi liệu 30 thành viên NATO có thảo luận khả năng cuộc tập trận Steadfast Noon có thể gây ra những tính toán sai lầm trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Nga hay không, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã bác bỏ mối lo ngại này. Ông nhấn mạnh: “Hiện giờ là lúc phải kiên quyết và thể hiện rõ ràng rằng NATO ở đó để bảo vệ tất cả các đồng minh. Đây là cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ rất lâu, từ trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine”. Ông cho biết thêm rằng, nếu NATO hoãn cuộc tập trận hạt nhân vì khủng hoảng Ukraine, đó sẽ là thông điệp sai lầm.

“Chúng ta cần phải hiểu rằng các hành động kiên quyết và có thể dự đoán được của NATO là cách tốt nhất để ngăn chặn sự leo thang. Chúng tôi ở đó để bảo vệ hòa bình, ngăn chặn xung đột và ngăn chặn bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào các nước đồng minh NATO”.

Trong khi đó, Nga chưa tuyên bố liệu nước này có kế hoạch tổ chức cuộc tập trận hạt nhân chiến lược Grom, thường diễn ra vào tháng 10 hàng năm với sự tham gia của tàu ngầm, máy bay và tên lửa hay không.

Năm 2021, Nga không tổ chức cuộc tập trận Grom do đại dịch COVID[1]19. Mặc dù vậy, cuộc tập trận này đã được tổ chức hồi tháng 2 vừa qua, ngay trước khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Liên quan tới vấn đề này, Tổng Thư ký NATO cho hay: “Chúng tôi đã giám sát các lực lượng hạt nhân Nga suốt hàng chục năm qua và tất nhiên chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát họ chặt chẽ. Đây là cuộc tập trận hàng năm của Nga và là dịp họ thử nghiệm các lực lượng hạt nhân. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi động thái như vẫn làm”. Chia sẻ quan điểm này, Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, Washington cũng dự đoán Nga sẽ sớm tổ chức tập trận Grom trong tháng này.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây là cuộc tập trận thường niên. Chúng tôi dự đoán cuộc tập trận sẽ kéo dài vài ngày và sẽ bao gồm các hoạt động thường lệ như Nga đã từng thực hiện trước đây”, ông nói.

Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng cuộc tập trận hạt nhân của các nước phương Tây sẽ gây hại và là hành động mang tính kích động. Còn các chuyên gia thì lo ngại những động thái này có thể đào sâu hơn nữa bất đồng và chia rẽ giữa các bên.

Trên thực địa, các chuyên gia chỉ ra rằng, cuộc xung đột tại Ukraine giờ đây được tách ra thành hai đấu trường phần lớn không kết nối: Các trận chiến trên không, trong đó Nga đang tìm cách làm mất tinh thần Ukraine và làm tê liệt nền kinh tế bằng cách sử dụng tên lửa hành trình và máy bay không người lái để phá hủy cơ sở hạ tầng sưởi ấm, điện và nước khi mùa đông đang tới; và các trận chiến trên bộ, trong đó Ukraine tiếp tục tiến công chống lại các lực lượng Nga ở hai khu vực chiến tuyến.

Theo các chuyên gia quân sự,Nga đang buộc Kiev phải giảm đà phản công tại các khu vực miền Đông. Ông Igor Girkin, cựu sĩ quan tình báo Nga, nhận định rằng chiến thuật trút mưa tên lửa tập kích hạ tầng trọng yếu có thể tác động phần nào đến tình hình chiến trường Ukraine trong thời gian tới. Chiến thuật này có thể buộc quân đội Ukraine dành nhiều nguồn lực phòng không hơn cho hậu phương, kéo giảm đà tiến công của các mũi phản kích chủ lực ở miền Đông và miền Nam.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.