Nhìn lại 1 năm xung đột Nga - Ukraine: Bên thêm dầu, bên đỏ lửa

Thứ Sáu, 24/02/2023, 07:30

Tròn một năm xung đột Nga – Ukraine, con đường đến hòa bình vẫn đầy bế tắc. Trên chiến trường, giao tranh từng ngày diễn ra dữ dội. Trên bàn đàm phán, tiếng nói đồng thuận chưa thể tìm thấy từ cả hai bên. Động thái trang bị vũ khí chiến lược dồn dập không chỉ khiến cục diện trở nên rối ren hơn mà còn tác động tiêu cực và toàn diện tới cả khu vực cũng như toàn thế giới.

Chiến trường không dịu lửa

Ngày 24/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, gọi đây là hành động tự vệ nhằm “phi quân sự hóa" quốc gia láng giềng Đông Âu. Kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của Nga vấp phải sự kháng cự và phản công mạnh mẽ của Ukraine, trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu từng bước hậu thuẫn và viện trợ ngày càng nhiều vũ khí chiến lược giúp Kiev xoay chuyển cục diện chiến trường.

Sau 365 ngày, Nga kiểm soát được một số thành phố và cảng chiến lược, còn Ukraine nỗ lực giành lại các phần lãnh thổ và đẩy lùi các cuộc tấn công mới của Nga. Không bên nào cho thấy mình có thể giành chiến thắng quân sự hoàn toàn, và cả hai đều phải gánh chịu tổn thất lớn về nhân lực vật lực.

Trong diễn biến mới nhất, tình báo Bộ Quốc phòng Anh ngày 20/2 cho rằng, bất chấp diễn biến thực địa, lực lượng Nga nhiều khả năng sẽ tuyên bố kiểm soát chảo lửa Bakhmut thuộc Donetsk vào dịp 24/2. Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một tuyên bố nhận định Bakhmut rất quan trọng đối với Kiev, nhưng quân đội Ukraine sẽ không bất chấp tất cả để bám trụ ở thị trấn này nếu việc đó không còn cần thiết.

image001.jpg -0
Binh sĩ Ukraine nã pháo Pion vào các vị trí của Nga gần Bakhmut.          Ảnh: AP

Theo nguồn tin tình báo cấp cao Ukraine, Nga có thể huy động thêm 500.000 quân trong vài tháng tới để mở chiến dịch mới, tín hiệu cho thấy chiến sự có thể sớm tăng nhiệt lại. Trong khi đó, Mỹ và EU liên tiếp đưa ra cam kết viện trợ làm “đầy kho vũ khí” của Ukraine hòng lấy lại thế chủ động trước Nga. Nhiều khả năng, một chiến dịch tấn công mới nhằm vào Donbass sẽ được Nga triển khai ngay khi dàn vũ khí hạng nặng của phương Tây cập bến Kiev.

Đàm phán không triển vọng

Một năm đã trôi qua, Nga và Ukraine đã nhiều lần đàm phán, nhưng thiện chí là điều không hề xuất hiện. Tháng 12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông sẵn sàng đàm phán với tất cả các bên liên quan trong cuộc xung đột, nhưng Kiev và phương Tây đã bác bỏ khả năng này.

Phương Tây lại trích nghiên cứu của CIA viện dẫn rằng, trong khi hầu hết các cuộc xung đột đều kết thúc trên bàn đàm phán thì "Nga chưa nghiêm túc về những cuộc đàm phán thực sự". Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một phát biểu cuối năm ngoái cũng không đưa đàm phán với Nga vào nhiệm vụ ngoại giao năm 2023, thay vào đó đề nghị tăng cường các hoạt động để “thúc đẩy các nước áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga, phong tỏa tài sản của Nga”. Cho đến nay, có rất ít khả năng các bên tham gia đàm phán, và nếu có, cũng khó mang lại giải pháp chấm dứt xung đột.

Trên thực tế, nút thắt lớn nhất hiện nay nằm ở Crimea, bán đảo trên Biển Đen mà Nga đã sáp nhập vào lãnh thổ từ năm 2014 và trở thành “lằn ranh đỏ” mà hai bên đều coi là vấn đề không thể nhân nhượng trong xung đột hiện nay. Tổng thống Zelensky từng tuyên bố chiến sự chỉ có thể kết thúc khi Crimea trở về với Ukraine. Nhưng sáp nhập Crimea đã trở thành một thành tựu quan trọng của Tổng thống Nga Putin. Ông đã nhiều lần khẳng định rằng sẽ không bỏ qua bất kỳ nỗ lực nào của Ukraine nhằm giành lại bán đảo này.

Đối mặt hay đối đầu?

Ngày 21/2, trong thông điệp Liên bang đầu tiên kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc Mỹ và các đồng minh đang chơi trò chơi nước đôi trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm hiện nay chống lại Nga ở Ukraine. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng thời điểm bất ngờ tới Kiev, đồng thời tới châu Âu tham gia hội nghị thượng đỉnh với các đồng minh NATO.

Đặt trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine chịu sự tác động từ nhiều quốc gia khác, cuộc đối đầu này đã tạo ra nhiều bất ngờ mới về quân sự, ngoại giao và chiến lược. Một mặt, Nga vấp phải sức chiến đấu đáng kể của Ukraine cũng như mức độ hậu thuẫn và viện trợ to lớn của EU và Mỹ dành cho Ukraine. Mặt khác, giới chức phương Tây cũng phải đối phó với các kênh ngoại giao bị chặn ở Liên hợp quốc và sự ủng hộ không hề nhỏ của Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Á dành cho Nga. Đáng chú ý, dù phương Tây tung ra vô số lệnh trừng phạt nhằm cô lập Nga ở cấp độ toàn cầu, nhưng Nga vẫn trụ vững.

Mặc dù vậy, đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất lại là người dân. Tại phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng LHQ diễn ra ngày 22/2, Tổng Thư ký LHQ António Guterres cho rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine làm gia tăng bất ổn khu vực, căng thẳng và chia rẽ toàn cầu, giảm nguồn lực dành cho việc xử lý các cuộc khủng hoảng và vấn đề toàn cầu cấp bách khác.

Trên thực tế, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, giá nhiên liệu tăng cao, lạm phát phi mã và kho vũ khí dần cạn kiệt là những gì hai nước đang phải đối mặt ở thời điểm này. Bước sang năm thứ hai của cuộc chiến, việc nối lại đối thoại và đàm phán có lẽ nên là điều cần thiết nhất nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình toàn diện, thỏa đáng và lâu dài cho cả hai bên.

Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin ngày 23/2 cho biết, việc các nước phương Tây cung cấp vũ khí cho Kiev chắc chắn sẽ dẫn đến sự leo thang của cuộc xung đột ở Ukraine. Ông khẳng định các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine có thể diễn ra nếu Ukraine hạ vũ khí và ngừng tấn công vào các thành phố của Nga. Liệu cuộc xung đột có thể hạ nhiệt, khi các bên ngừng đối đầu trên thực địa, và sẵn sàng đối mặt nhau trên bàn đàm phán?

An Nhiên
.
.
.