Nhận đề nghị chia sẻ khí đốt, Ba Lan nói sao?
Nghị sĩ Đức đề nghị các nước Đông Âu chia sẻ một phần khí đốt dư thừa cho đồng minh ở phía Tây, nhưng Ba Lan cho hay họ sẽ chỉ chia sẻ với "những người thể hiện sự đoàn kết" với họ.
Ba Lan là quốc gia hiếm hoi ở châu Âu đã đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, cắt giảm được sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga. Nước này hiện có tỷ lệ dự trữ khí đốt trước mùa Đông cao nhất châu Âu, với khoảng 95% cơ sở lưu trữ được lấp đầy, tương đương 3,35 tỷ mét khối.
Tờ BrusselsTimes ngày 21/7 dẫn lời nghị sĩ Đức Markus Ferber gần đây đã gợi ý các quốc gia ở Đông Âu, bao gồm Ba Lan, có thể chia sẻ một phần khí đốt dư thừa từ kho chứa của họ cho các quốc gia châu Âu khác đang thiếu hụt trong bối cảnh nguồn cung từ Nga bị cắt giảm.
Đáp lại đề nghị này, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Szymon Szynkowski nhấn mạnh, Warsaw sẵn sàng chia sẻ khí đốt tự nhiên để thể hiện sự đoàn kết trong Liên minh châu Âu (EU), nhưng "trước hết muốn chia sẻ với những người đã thể hiện tình đoàn kết của họ" với Ba Lan.
Trong khi đó, ông Krzysztof Sobolewski của đảng PiS cầm quyền phát biểu trên truyền hình Ba Lan rằng, Berlin nên tính toán "vấn đề bồi thường" để đổi lấy khí đốt, ám chỉ những tổn thất mà Đức quốc xã gây ra với quốc gia Đông Âu trong giai đoạn Thế chiến II.
Đức và Ba Lan cùng là thành viên EU. Trong khi Đức coi các vấn đề liên quan đến bồi thường trong Thế chiến II đã khép lại, thì Ba Lan gần đây vẫn cho rằng Berlin cần trả họ khoản tiền lên đến nhiều tỷ USD.
Ngoài vấn đề chiến phí, Đức và Ba Lan cũng còn một số khúc mắc khác. Ông Szynkowski phàn nàn rằng các cuộc đàm phán về việc cung cấp xe tăng Đức Leopard cho nước này, nhằm bù đắp lượng xe tăng mà Ba Lan gửi sang Ukraine, đang đi vào ngõ cụt và Berlin cần đưa ra những đề nghị hợp lý hơn.
Đức từng chia sẻ khí đốt cho Ba Lan lúc khó khăn?
Tập đoàn Gazprom, nhà cung cấp khí đốt chính của Nga sang châu Âu, từ ngày 27/4 đã đình chỉ toàn diện việc cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ba Lan với lí do quốc gia EU này từ chối thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng ruble theo chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin.
Không lâu sau, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen tiết lộ, Ba Lan đã bắt đầu nhận khí đốt từ các nước láng giềng nhằm bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ Nga.
Theo hãng tin Nga Interfax, một phần khí đốt mà Ba Lan nhận được khi đó có nguồn gốc từ Đức, thông qua dòng chảy ngược trên đường ống dẫn khí Yamal-Europe.