Nhà Trắng: Ukraine phải tự quyết "vận mệnh" trong xung đột với Nga
Nhà Trắng khẳng định Ukraine phải "tự quyết định vận mệnh của mình" về việc có nhượng bộ lãnh thổ trong đàm phán với Nga hay không và rằng Washington sẽ không áp đặt.
Trả lời phỏng vấn trên đài ABCNews ngày 1/12, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan mô tả những "bình luận công khai về nhu cầu chấm dứt chiến sự tại bàn đàm phán" gần đây của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho thấy ông Zelensky "hiểu rằng cuối cùng sẽ phải có một cuộc đàm phán" về chiến sự với Nga.
"Trong năm 2024, chúng tôi tích cực phối hợp với Tổng thống Zelensky và nhóm của ông ấy về việc hình thức cuộc đàm phán đó sẽ diễn ra thế nào. Điều quan trọng nhất lúc này là cung cấp cho Ukraine càng nhiều công cụ càng tốt để họ có thể tham gia cuộc đàm phán đó", ông Sullivan nói.
Khi được hỏi về ý tưởng Ukraine từ bỏ một số vùng lãnh thổ để đổi lấy hòa bình, ông Sullivan đáp: "Điều quan trọng nhất là Ukraine phải tự quyết định vận mệnh của mình, chứ không phải để các thế lực bên ngoài, bao gồm cả Mỹ, áp đặt".
Theo ông Sullivan, Tổng thống Zelensky nên là người đưa ra các bình luận công khai "về vấn đề lãnh thổ và an ninh" của Ukraine hậu chiến sự chứ không phải Mỹ. "Xét cho cùng, chúng ta đang nói về đất nước của ông ấy", Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nêu thông điệp.
Cũng trong cuộc phỏng vấn với ABCNews, ông Sullivan bác khả năng Mỹ gửi vũ khí hạt nhân sang Ukraine. "Chúng ta tăng cường các năng lực quân sự thông thường để Ukraine tự vệ và chiến đấu với Nga, chứ không phải năng lực hạt nhân", ông nói.
Vào thời điểm Liên Xô tan rã, Ukraine thừa hưởng nhiều vũ khí của Liên Xô, bao gồm vũ khí hạt nhân. Năm 1994, trước áp lực của cộng đồng quốc tế và kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí bảo dưỡng vũ khí hạn hẹp, Ukraine đã kí Bản ghi nhớ Budapest với nội dung Kiev từ bỏ kho vũ khí hạt nhân để đổi lại các đảm bảo an ninh từ Mỹ, Anh và Nga.
Tuyên bố của ông Sullivan được đưa ra hai ngày sau khi Tổng thống Zelensky ngày 29/11 nói với Skynews rằng, Kiev có thể ký thỏa thuận ngừng bắn với Nga nếu NATO đồng ý bảo trợ các vùng lãnh thổ còn lại của Ukraine mà quân đội Ukraine đang quản lý.
"Nếu muốn giai đoạn nóng của cuộc chiến dừng lại, chúng tôi cần phần lãnh thổ mà mình kiểm soát được đặt dưới ô bảo trợ của NATO", ông Zelensky nói. "Chúng ta cần phải nhanh chóng làm điều này. Ukraine sau đó có thể lấy lại phần lãnh thổ bị chiếm đóng bằng con đường ngoại giao".
Theo truyền thông quốc tế, đây là lần đầu tiên ông Zelensky đề cập đến kịch bản ngừng bắn mà cho phép Nga kiểm soát các vùng lãnh thổ mà họ giành được. Từ đầu xung đột, ông Zelensky luôn khẳng định Kiev sẽ không nhượng bộ vấn đề lãnh thổ trong bất cứ trường hợp nào.
Sau gần 3 năm giao tranh, dù nhận nguồn viện trợ quân sự khổng lồ từ Mỹ và đồng minh, Ukraine không thể ngăn đà tiến công của Nga ở vùng Donbass và hứng nhiều thiệt hại tại mặt trận Kursk. Khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhậm chức đầu năm tới, nguồn cung vũ khí của Washington cho Kiev có thể sẽ bị cắt giảm.