Ngoại trưởng Mỹ: Ukraine cần tự quyết định việc có hay không nhượng bộ lãnh thổ
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định tương lai của Ukraine do người Ukraine định đoạt và Kiev cần tự đưa ra quyết định về việc họ có nhượng bộ lãnh thổ hay không.
Trong cuộc phỏng vấn với đài PBSNews hôm 14/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng, Ukraine đã hứng chịu "thương vong đáng kể" ở trong các cuộc giao tranh ác liệt ở vùng Donbass, song vẫn tin rằng Kiev cuối cùng sẽ giành phần thắng trước Nga.
Khi được hỏi về khả năng Ukraine nhượng bộ các vấn đề về lãnh thổ để chấm dứt xung đột, ông Blinken nói rằng, "tương lai của Ukraine phụ thuộc vào người Ukraine".
"Những quyết định như vậy sẽ được đưa ra bởi chính phủ dân cử của Ukraine, bao gồm Tổng thống Volodymyr Zelensky. Ông ấy sẽ phải xác định điều gì mang lại lợi ích cao nhất cho đất nước, cho người dân ", Ngoại trưởng Mỹ nói và khẳng định Washington sẽ "hỗ trợ" Kiev.
Ngoại trưởng Blinken cũng quả quyết, Ukraine đã "có được sự trợ giúp mà họ cần thiết". Tuy nhiên, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar trước đó khẳng định, quân đội nước này mới nhận được khoảng 10% vũ khí mà họ yêu cầu từ Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Tuyên bố được quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ đưa ra trong bối cảnh Nga đang tiến công chậm nhưng chắc, và tiến gần hơn mục tiêu kiểm soát vùng Donbass ở miền Đông Ukraine, vùng đất mà hai nước cộng hòa ly khai, được Nga công nhận, coi là lãnh thổ.
Cách đây 3 ngày, đề cập đến vấn đề Ukraine tại Đối thoại Kultaranta ở Phần Lan, Tổng Thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg khẳng định, NATO đang giúp đỡ Ukraine đạt vị thế tốt nhất trên bàn đàm phán, song Kiev phải tự quyết định xem họ sẽ nhượng bộ đến mức nào.
"Hòa bình là khả thi", ông Stoltenberg nói. "Câu hỏi duy nhất là bạn sẵn sàng trả cái giá nào cho hòa bình? Bạn sẵn sàng hy sinh bao nhiêu lãnh thổ, bao nhiêu độc lập, chủ quyền vì hòa bình".
Ông Stoltenberg không đề xuất cụ thể Ukraine nên chấp nhận các điều khoản nào, đồng thời nhấn mạnh "bên trả giá cao nhất cần đưa ra quyết định".
Tổng Thư ký NATO nêu ra ví dụ của Phần Lan, quốc gia đã nhượng vùng Karelia cho Liên Xô như một phần thỏa thuận hòa bình trong Thế chiến II, cho rằng đây là "một trong những lý do giúp Phần Lan bước ra khỏi cuộc chiến với tư cách quốc gia độc lập có chủ quyền", theo RT.