Nga tố Mỹ triển khai 3 UAV MQ-9 tiếp cận nguy hiểm Su-35

Chủ Nhật, 23/06/2024, 06:48

Quân đội Nga cáo buộc 3 máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper của Mỹ tiếp cận nguy hiểm tiêm kích Su-35 của Nga ở Syria, nhưng chưa va chạm.

RiaNovosti ngày 22/6 dẫn lời tướng Yuri Popov, phó giám đốc Trung tâm Hòa giải Các bên tham chiến Syria của Nga xác nhận, "3 UAV MQ-9 Reaper của Mỹ, có năng lực do thám và tác chiến, đã tiếp cận nguy hiểm tiêm kích Su-35 Nga đang hoạt động bình thường trên không phận Syria".

Nga tố Mỹ triển khai 3 UAV MQ-9 tiếp cận nguy hiểm Su-35 -0
Tiêm kích Su-35 của Nga hoạt động ở Syria. Ảnh: GettyImages

Tướng Popov cho hay, vụ việc xảy ra khi tiêm kích hoạt động ở độ cao khoảng 7000-8000m trên bầu trời tỉnh Homs miền Trung Syria. "Phi công Nga đã hành động chuyên nghiệp và có kịp thời cơ động tránh va chạm", thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga nêu.

Theo tướng Popov, Nga cũng phát hiện 2 tiêm kích F-15, 2 tiêm kích Typhoon và 6 cường kích A-10 Thunderbolt vi phạm không phận Syria trong ngày 21/6. Chúng thuộc liên quân do Mỹ dẫn đầu, đã có tổng cộng 12 lần đi vào vùng trời Syria khu vực tại al-Tanf, nơi có căn cứ quân sự Mỹ.

Mỹ và đồng minh tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria từ năm 2014 với lý do chống IS, nhưng nhiều lần tấn công các mục tiêu của quân đội Syria. Tại Syria, các hoạt động quân sự của Mỹ không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua và không được chính quyền Damascus cho phép.

MQ-9 Reaper là UAV vũ trang do tập đoàn General Atomics của Mỹ chế tạo cho không quân nước này, có thể bay ở độ cao hơn 15.000 m và hoạt động liên tục trong 24 tiếng. Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết mỗi chiếc MQ-9 có giá xuất xưởng khoảng 30 triệu USD.

Trong khi đó, Nga triển khai lực lượng tới Syria từ năm 2015 theo đề nghị từ Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhằm hỗ trợ quân đội chính phủ nước này chống phiến quân Hồi giáo cực đoan. Nga sau đó rút một phần lực lượng tại Syria và tiếp tục vận hành hai căn cứ quân sự tại quốc gia Trung Đông.

Reuters cho biết, Mỹ và Nga hồi năm 2019 thống nhất quy tắc sử dụng không phận Syria nhằm tránh các sự cố ngoài ý muốn có thể làm gia tăng căng thẳng. Hai bên đồng ý không để máy bay bay cắt mặt lực lượng đối phương, nhất là với máy bay mang vũ khí.

Năm ngoái, không quân Mỹ cáo buộc phi công trên một tiêm kích Su-35 của Nga tiếp cận một chiếc MQ-9 ở khoảng cách vài mét trên bầu trời Syria, sau đó thả mồi bẫy nhiệt trúng chiếc UAV, khiến cánh quạt của nó hư hại nghiêm trọng nhưng may mắn không rơi.

Thái Hà
.
.
.