Nga gỡ đề xuất gây tranh cãi về việc tính lại biên giới trên biển Baltic

Thứ Năm, 23/05/2024, 07:16

Hôm 22/5, một ngày sau khi đăng tải, Bộ Quốc phòng Nga đã gỡ bản dự thảo danh sách các tọa độ mới để tính toán chiều rộng lãnh hải Nga, đường bờ biển và các đảo trên biển Baltic. Trước đó, dự thảo này đã vấp phải phản ứng từ các nước châu Âu.

Châu Âu phản ứng việc Nga đề xuất tính lại biên giới trên biển Baltic -0
Một tàu sân bay thuộc Hạm đội Baltic của Hải quân Nga tập trận tại vùng Kaliningrad. Ảnh: Reuters

Hôm 21/5, Bộ Quốc phòng Nga đăng trên Cổng thông tin Dự thảo Luật Pháp lý Liên bang một danh sách các tọa độ mới để tính toán chiều rộng lãnh hải Nga, đường bờ biển và các đảo trên biển Baltic. Bộ này phân tích rằng cách tính áp dụng từ năm 1985 đã lỗi thời, có tọa độ mâu thuẫn với các khảo sát hàng hải hiện nay.

Dự thảo nêu rõ, việc phê duyệt danh sách tọa độ địa lý mới sẽ thiết lập một hệ thống đường cơ sở thẳng còn thiếu trên phần phía Nam các đảo của Nga ở phía Đông Vịnh Phần Lan, gần Baltiysk và Zelenogradsk, đồng thời cho phép sử dụng vùng biển này thành vùng biển nội địa của Nga.

Ngay lập tức, dự thảo vấp phải phản ứng từ các nước châu Âu như Lithuania, Thụy Điển, Phần Lan. Trước những lo ngại của các nước này, hôm 22/5, Người Phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên, rằng đề xuất của Bộ Quốc phòng Nga không mang tính chính trị. Không lâu sau đó, Nga đã gỡ bản dự thảo trên cổng thông tin và không giải thích thêm. 

Được biết, Bộ Ngoại Lithuania hôm 21/5 đã triệu tập đại diện Nga tại nước này để yêu cầu "giải thích đầy đủ" về dự thảo đề xuất từ Bộ Quốc phòng Nga, cho rằng Moscow cần tính toán lại tọa độ các điểm xác định đường cơ sở trên biển Baltic.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda cũng cho hay, đại sứ nước này tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bày tỏ lo ngại với các đồng minh về động thái của Moscow, cho rằng việc trên có thể khiến leo thang căng thẳng trong khu vực. 

Cùng ngày, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ra tuyên bố nêu rõ, Nga đã ký một công ước của Liên hợp quốc, trong đó có những quy định về phân định biên giới trên biển. "Cả chúng tôi và Phần Lan đều cho rằng Nga, vốn là một bên ký kết công ước đó, phải tuân thủ nghĩa vụ theo công ước", ông Kristersson nói.

Phía Phần Lan thì thêm rằng, động thái của Moscow có thể không mang tính chất khiêu khích nhưng sẽ theo dõi sát tình hình thực tế.

Kim Khánh
.
.
.