Nga doạ triển khai tên lửa tầm trung đến phần lãnh thổ châu Âu để đáp trả NATO

Thứ Ba, 14/12/2021, 08:32

Nga cảnh báo họ sẽ buộc phải triển khai tên lửa tầm trung đến phần lãnh thổ châu Âu để đáp trả kế hoạch đưa vũ khí tấn công đến gần lãnh thổ Nga của khối quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và NATO leo thang, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 13/12 cảnh báo nước này sẽ buộc phải có hành động quân sự tương ứng để đáp trả nếu phương Tây khước từ tham gia lệnh cấm triển khai tên lửa tầm trung tại châu Âu, Reuters đưa tin.

Nga doạ triển khai tên lửa tầm trung đến châu Âu -0
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh: Getty Images

Sau khi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) sụp đổ với sự rút lui của Mỹ, Nga đã quyết liệt tìm kiếm một thoả thuận để đảm bảo tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất không xuất hiện ở lục địa châu Âu, coi đây là một trong những đảm bảo an ninh sống còn.

Theo quan chức Nga, Moscow đã đơn phương ban bố một lệnh cấm triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu và trên thực tế chưa đưa bất cứ hệ thống tên lửa tầm trung nào đến phần lãnh thổ châu Âu, tính từ phía Tây dãy núi Ural. Nga kêu gọi Mỹ và NATO có hành động tương tự để giảm căng thẳng.

"Việc không có tiến triển nào về giải pháp chính trị và ngoại giao sẽ buộc Nga phải đáp trả bằng biện pháp quân sự. Đó sẽ là một cuộc đối đầu", Thứ trưởng Ngoại giao Nga tuyên bố. "Chúng tôi kêu gọi NATO và Mỹ tham gia lệnh cấm đó".

Nga doạ triển khai tên lửa tầm trung đến châu Âu -0
Tên lửa được cho là mẫu 9M729 Novator rời bệ phóng trong một cuộc tập trận của Nga. Ảnh: TASS

Giới chuyên gia cảnh báo việc NATO hoặc Nga triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu có nguy cơ đẩy Moscow và phương Tây vào một cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt mới.

NATO gần đây từng khẳng định Mỹ sẽ không triển khai thêm tên lửa ở châu Âu và sẵn sàng đối phó Nga bằng những biện pháp chỉ sử dụng vũ khí thông thường. Tuy vậy, quan chức Nga nhấn mạnh Moscow "hoàn toàn thiếu tin tưởng" vào liên minh quân sự này, hàm ý rằng hai bên cần đi đến một văn kiện.

"Họ tưởng rằng họ có thể cứ hành động theo yêu cầu và lợi thế của mình, còn chúng tôi phải chấp nhận điều đó. Chuyện này không thể tiếp diễn", ông Ryabkov cảnh báo.

INF được Mỹ ký với Liên Xô, nay là Nga từ năm 1987, cấm hai nước sản xuất, triển khai tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500km. Mỹ năm 2019 cáo buộc Nga triển khai tên lửa hành trình 9M729 Novator có tầm bắn hơn 500km rồi lấy đây làm cớ rút khỏi thỏa thuận.

Nga bác cáo buộc của Mỹ, cho rằng chính Washington đã vi phạm INF khi đưa bệ phóng Aegis Ashore MK-41 tới châu Âu, vốn có thể sử dụng để phóng tên lửa hành trình Tomahawk phiên bản mặt đất. Sau khi Mỹ rút khỏi INF, Nga có động thái tương tự để đáp trả.

Thiện Nhân
.
.
.