Mỹ - Nhật - Hàn cam kết nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên

Chủ Nhật, 29/05/2022, 09:22

Các quan chức ngoại giao hàng đầu của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ ngày 27/5 (giờ địa phương) cam kết tiếp tục thực hiện các nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên và đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.

Trong tuyên bố chung được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng những người đồng cấp Park Jin của Hàn Quốc và Yoshimasa Hayashi của Nhật Bản bày tỏ lấy làm tiếc khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) không nhất trí được về một nghị quyết mới đối với Triều Tiên.

Các quan chức trên chỉ trích các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên gần đây, đồng thời cam kết tăng cường phối hợp 3 bên để tiến tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và triển khai đầy đủ các nghị quyết liên quan của HĐBA. Tuyên bố chung cũng nêu rõ 3 nước đồng minh sẵn sàng gặp Triều Tiên mà không kèm điều kiện tiên quyết và cam kết theo đuổi đối thoại nghiêm túc với Bình Nhưỡng.

Trước đó, hôm 26/5, Trung Quốc và Nga đã phủ quyết một nghị quyết do Mỹ đề xuất bỏ phiếu tại HĐBA LHQ về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh hơn đối với Triều Tiên sau khi nước này liên tiếp thử tên lửa đạn đạo thời gian gần đây.

2311609bb80608b8b34b8d8eab077fc4.jpg -0
Toàn cảnh một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ về Triều Tiên, tại New York (Mỹ).

Theo thông tin từ phía Hàn Quốc, từ đầu năm 2022 đến nay, Triều Tiên đã thực hiện 17 lần thử tên lửa. Lần thử gần nhất diễn ra ngày 24/5 với 3 tên lửa đạn đạo, trong đó có 1 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố, thời kỳ xoa dịu Triều Tiên đã chấm dứt và bất cứ cuộc đàm phán nào giữa Seoul với Bình Nhưỡng cần phải được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khởi xướng. Ông nêu rõ: “Tôi nghĩ quả bóng đang ở trên sân của Chủ tịch Kim Jong-un. Đó là lựa chọn của ông ấy để bắt đầu cuộc đối thoại với chúng tôi”.

Ông Yoon Suk-yeol luôn khẳng định lập trường cứng rắn với Triều tiên và mong muốn củng cố quân đội Hàn Quốc – một sự khác biệt so với người tiền nhiệm Moon Jae-in – vốn thúc đẩy đối thoại và hòa giải giữa hai miền Triều Tiên.

Nhận xét về chiến lược hòa giải của chính quyền tiền nhiệm, ông Yoon Suk-yeol cho biết: “Nếu chỉ để tránh sự khiêu khích hoặc xung đột tạm thời của Triều Tiên, đây không phải là điều mà chúng ta nên làm. Cách tiếp cận này trong 5 năm qua đã được chứng minh là thất bại”.

Dù theo đuổi lập trường cứng rắn, nhưng tân Tổng thống Hàn Quốc cho biết ông mong muốn một sự thịnh vượng chung trên Bán đảo Triều Tiên và cho rằng việc Bình Nhường tăng cường năng lực hạt nhân không có lợi cho việc duy trì hòa bình quốc tế.

Trước đó, trả lời phỏng vấn tờ Washington Post hôm 14/4 vừa qua, Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết nếu Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân hóa, chính quyền của ông sẽ cung cấp nhiều lợi ích khác nhau như hỗ trợ kinh tế và nhân đạo. Tuy nhiên, liệu ông có thực sự tin rằng Triều Tiên sẽ từ bỏ năng lực hạt nhân mạnh mẽ mà họ đã dồn gần như toàn bộ nguồn lực nhà nước trong nhiều thập kỷ để phát triển để đổi lấy sự hỗ trợ kinh tế nhỏ bé như vậy từ Hàn Quốc hay không?

Mục tiêu cốt lõi mà chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh về vấn đề hạt nhân Triều Tiên là “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” (CVID). Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn chưa đưa ra câu trả lời cụ thể về việc làm thế nào để đạt được mục tiêu này.

Triều Tiên hiện được cho là đang sở hữu khoảng 60 vũ khí hạt nhân và dự kiến sẽ tăng kho dự trữ lên 200 vũ khí hạt nhân vào năm 2027. Nếu Triều Tiên phóng tên lửa tầm ngắn trang bị đầu đạn hạt nhân chiến thuật vào một thành phố hoặc căn cứ quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc, liệu Mỹ có sử dụng “chiếc ô hạt nhân” trả đũa Triều Tiên để bảo vệ đồng minh của mình hay không? Nhiều người Hàn Quốc rất nghi ngờ về khả năng này.

Như nhiều chuyên gia an ninh Mỹ đã nhận xét, đã đến lúc Hàn Quốc cần xem xét nghiêm túc về việc trang bị vũ khí hạt nhân. Theo Điều 10 của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, Hàn Quốc có thể biện minh cho tuyên bố rút khỏi hiệp ước này bằng cách trình bày các lợi ích quan trọng hơn đối với an ninh quốc gia của mình. Trung Quốc rõ ràng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Hàn Quốc trong trường hợp này. Tuy nhiên sau đó, Seoul có thể yêu cầu Bắc Kinh cần hành động thận trọng bằng cách kiên quyết gây sức ép buộc Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa. Các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa Triều Tiên theo bất kỳ ý nghĩa thực sự nào sẽ chỉ có thể thực hiện được sau giai đoạn này.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước khi kết thúc nhiệm kỳ với kênh tin tức JTBC (Hàn Quốc), Tổng thống mãn nhiệm Moon Jae-in đã bác bỏ quan điểm của một số chính trị gia cho rằng Hàn Quốc cần trang bị vũ khí hạt nhân, coi đó là điều “vô lý”, song không đưa ra các giải pháp thay thế thuyết phục. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã công bố quyết định mở rộng học thuyết về việc sử dụng vũ khí hạt nhân ngoài khả năng răn đe để bao gồm khả năng tấn công phủ đầu vì “lợi ích cơ bản” của quốc gia.

Giới chuyên gia cho rằng Tổng thốngYoon Suk-yeol nên thông báo cho người đồng cấp Joe Biden về tình hình cấp bách của Hàn Quốc. Chính Hàn Quốc, chứ không phải Triều Tiên, là bên cần thiết lập chính sách đề phòng nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân ngay từ bây giờ.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.