Mỹ làm sống dậy chương trình từ Thế chiến II nhằm giúp Ukraine
Quốc hội Mỹ ngày 28/4 (giờ địa phương) thông qua một đạo luật giúp xoá bỏ các hạn chế về chuyển giao vũ khí cho Kiev, cho phép Mỹ thực hiện một chương trình như trong Thế chiến II giúp đánh bại quân phát xít Đức.
Hạ viện Mỹ ngày 28/4 thông qua “Đạo luật cho mượn – cho thuê quốc phòng dân chủ Ukraine năm 2022” (Ukraine Democracy Defense Lend-Lease Act), 3 tuần sau khi được Thượng viện thông qua. Tiếp đó, đạo luật này sẽ được chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Joe Biden ký thành luật.
Đạo luật này làm sống lại chương trình mà Washington từng sử dụng để gửi thiết bị quân sự cho các đồng minh trong Thế chiến II trong khi vẫn chính thức giữ thái độ trung lập.
Đạo luật cho phép Nhà Trắng “cho mượn hoặc cho thuê các vật phẩm quốc phòng” đối với Ukraine hoặc bất kỳ “quốc gia Đông Âu nào bị ảnh hưởng bởi chiến dịch quân sự của Nga để giúp tăng cường khả năng phòng thủ của các quốc gia đó và bảo vệ dân thường của họ khỏi các cuộc xung đột tiềm tàng hoặc đang diễn ra”.
Hạ viện Mỹ đã thông qua đạo luật cùng ngày khi Tổng thống Joe Biden kêu gọi Quốc hội phê chuẩn gói viện trợ 33 tỷ USD cho Ukraine, bao gồm hơn 20 tỷ USD cho vũ khí, đạn dược và các hỗ trợ quân sự khác.
“Chương trình cho mượn – cho thuê quốc phòng” (Lend-Lease Act) được Tổng thống Roosevelt đưa ra và được Quốc hội Mỹ thông qua vào ngày 11/3/1941. Ban đầu, phần lớn vũ khí và thiết bị được chuyển đến Anh, Liên Xô và một số nước khác. Về lý thuyết, khoản viện trợ này sẽ được các nước nhận hoàn trả, nhưng thay vào đó, Mỹ chấp nhận đổi lại bằng hợp đồng thuê các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Tính đến khi Thế chiến II kết thúc, hơn 50 tỷ USD tiền mặt, vũ khí, máy bay, và tàu chiến đã được viện trợ cho 44 quốc gia. Sang thời hậu chiến, chương trình này trở thành “Kế hoạch Marshall”, nhằm giúp các nước dân chủ “thân thiện” với Mỹ phục hồi, ngay cả khi họ đã từng là kẻ thù trong chiến tranh.