Mỹ cắt viện trợ cho Sudan sau cuộc chính biến quân sự

Thứ Ba, 26/10/2021, 09:36

Chính quyền Biden mới đây đã thông báo tạm dừng hỗ trợ cho Sudan sau khi quân đội nước này nổi dậy giành quyền kiểm soát đất nước và thúc giục khôi phục "ngay lập tức" chính phủ dân sự.

Mỹ cắt viện trợ cho Sudan sau cuộc chính biến quân sự  -0
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price. Ảnh Reuters. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết trong cuộc họp báo ngày 25/10 rằng Washington sẽ đánh giá lại “toàn bộ mối quan hệ” với Khartoum trừ khi đất nước châu Phi này trở lại “con đường chuyển tiếp” sang dân chủ.

Quân đội Sudan hôm 25/10 đã giải tán chính phủ chuyển tiếp và ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi bắt giữ Thủ tướng Abdalla Hamdok và một số thành viên trong nội các của ông, cũng như các quan chức dân sự khác.

“Mỹ lên án các hành động của lực lượng quân đội Sudan”, ông Price nhấn mạnh. “Việc bắt giữ các quan chức chính phủ dân sự và các nhà lãnh đạo chính trị khác, bao gồm cả Thủ tướng Hamdok, làm suy yếu quá trình chuyển đổi của đất nước sang chế độ dân sự dân chủ”.

Kể từ khi nhà lãnh đạo lâu năm Omar al-Bashir bị lật đổ sau các cuộc biểu tình hàng loạt vào năm 2019, ông Hamdok đã lên nắm quyền lãnh đạo một chính phủ chuyển tiếp trong một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với quân đội.

Mỹ cắt viện trợ cho Sudan sau cuộc chính biến quân sự  -0
Người dân tại Khartoum biểu tình ngày 25/10. Ảnh AP. 

Ông Price cảnh báo rằng những diễn biến gần đây sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương giữa Khartoum và Washington. “Mỹ sẽ tạm dừng khoản hỗ trợ kinh tế khẩn cấp trị giá 700 triệu USD, vốn dĩ nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi tại Sudan”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Sudan đã được cải thiện trong hai năm qua sau nhiều thập kỷ căng thẳng và mất lòng tin trong thời kỳ al-Bashir.

Năm ngoái, Mỹ đã loại Sudan khỏi danh sách “nước bảo trợ khủng bố” và hai nước đã khôi phục quan hệ ngoại giao. Chính phủ chuyển tiếp tại Sudan cũng đồng ý bình thường hóa quan hệ với Israel trong một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian.

Đặc phái viên Mỹ tại khu vực “Sừng châu Phi” Jeffrey Feltman đã gặp các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự Sudan vào cuối tuần qua, tuy nhiên, ông Price khẳng định rằng chính quyền Mỹ không hề biết trước về vụ đảo chính quân sự. Sừng châu Phi là bán đảo thuộc Đông Phi lấn ra biển Arab, gồm các quốc gia như Djibouti, Ethiopia, Eritrea và Somalia.

Tiến Dũng
.
.
.