Đảo chính tại Guinea: Vì đâu nên nỗi?

Thứ Ba, 07/09/2021, 08:10

Guinea đang trải qua cơn “địa chấn chính trị” dữ dội khi quân đội nước này bất ngờ tiến hành đảo chính, bắt giữ Tổng thống, tuyên bố giải tán chính phủ, xóa bỏ Hiến pháp và đóng cửa biên giới trên bộ, trên không.

Sau vài giờ đấu súng ác liệt vào ngày 5/9 (giờ địa phương) tại thủ đô Conakry, một đơn vị quân đội quốc gia tinh nhuệ đã tuyên bố giành chính quyền ở Guinea và phế truất Tổng thống Alpha Conde, theo Guardian.  Các hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy Tổng thống Conde bị một số lính nổi dậy vây quanh, song lực lượng này khẳng định ông Conde không bị tổn hại, sức khỏe được bảo đảm và đang được bác sĩ chăm sóc.

8-1.jpg -0
Tổng thống Guinea Alpha Conde. Ảnh: Reuters.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia, lãnh đạo đơn vị đặc nhiệm tiến hành cuộc binh biến, Đại tá Mamady Doumbouya nói rằng “tình hình đói nghèo và vấn nạn tham nhũng” đã thúc đẩy lực lượng này lật đổ Tổng thống đương nhiệm, đồng thời tuyên bố sẽ cho viết lại Hiến pháp, đóng cửa biên giới, ban bố lệnh giới nghiêm trên toàn quốc “cho tới khi có thêm thông báo” và sớm triệu tập cuộc họp của nội các. “Chúng ta sẽ không giao phó chính trị cho một người nữa mà sẽ giao phó cho người dân”, ông Doumbouya nhấn mạnh. Tới nay, các lực lượng an ninh Guinea đang nỗ lực khôi phục trật tự và hòa bình tại quốc gia này.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngay lập tức đã lên án vụ đảo chính tại Guinea và kêu gọi trả tự do cho Tổng thống Alpha Conde. Các lãnh đạo Liên minh châu Phi (AU) cũng chỉ trích vụ binh biến này, trong khi tổ chức Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) gọi đây là cuộc đảo chính có chủ đích và đe dọa sẽ áp đặt trừng phạt nếu Guinea không khôi phục lại trật tự Hiến pháp. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng kêu gọi “tôn trọng luật pháp, lợi ích hòa bình và thịnh vượng của người dân Guinea”. Bộ Ngoại giao Pháp cùng ngày cũng ra tuyên bố chỉ trích vụ đảo chính.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Mỹ lên án sự việc, cho rằng bạo lực hay bất kỳ biện pháp nào ngoài phạm vi Hiến pháp sẽ chỉ làm xói mòn triển vọng hòa bình của Guinea, đồng thời nêu rõ rằng những hành động đó có thể làm hạn chế khả năng của Mỹ cũng như các đối tác quốc tế khác của Guinea trong việc hỗ trợ quốc gia Tây Phi này hướng tới đoàn kết dân tộc và một tương lai tươi sáng hơn cho người dân Guinea.

Cùng ngày, Chính phủ Nigeria cũng ra tuyên bố bày tỏ “lên án mạnh mẽ và bác bỏ bất cứ sự thay đổi chính phủ nào trái với Hiến pháp”, kêu gọi lực lượng tiến hành binh biến ở Guinea ngay lập tức khôi phục trật tự Hiến pháp và bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Chính phủ Nigeria nhấn mạnh, vụ đảo chính tại Guinea là hành động vi phạm rõ ràng Nghị định thư của ECOWAS về dân chủ và quản trị hiệu quả.

Sự kiện hôm 5/9 vừa qua không phải là lần đầu tiên biến động chính trị diễn ra tại quốc gia Tây Phi này. Trước khi ông Conde trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên được bầu lên qua dân cử ở Guinea vào năm 2010, quân đội đã hai lần lên nắm quyền ở nước này vào năm 1984 và năm 2008. Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Conde bước vào nhiệm kỳ thứ ba sau một chiến thắng đầy tranh cãi vì tiến hành thay đổi Hiến pháp để có thể tiếp tục cầm quyền, bất chấp các cuộc biểu tình bạo lực của phe đối lập khiến hơn 40 người thiệt mạng sau đó.

Guinea đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế bền vững trong suốt thập kỷ nắm quyền của ông Conde nhờ vào nguồn khoáng sản phong phú như quặng bô xít, vàng và kim cương. Tuy nhiên, người dân Guinea gần đây cũng bất bình trước động thái tăng thuế và giá nhiên liệu của chính phủ giữa lúc ngân sách thiếu hụt. Bên cạnh đó, cũng có các ý kiến chỉ trích cho rằng rất ít người dân Guinea được hưởng lợi từ những thành tựu kinh tế cũng như bị hạn chế tiếng nói của mình dưới thời chính phủ của ông Conde, trong khi chia rẽ sắc tộc, đàn áp bất đồng chính kiến và tham nhũng khiến đời sống chính trị trong nước bất ổn. Phần lớn những người trẻ tuổi ở Guinea cho biết họ không tìm thấy tương lai ở chính đất nước mình.

Vụ đảo chính ở Guinea diễn ra vào thời điểm những vết nứt chính trị đang bị khoét sâu ở khu vực Tây Phi, đã làm dấy lên những lo ngại về một làn sóng bất ổn mới trong khu vực. Theo đó, cả Tổng thống Conde và nhà lãnh đạo nước láng giềng Bờ Biển Ngà đều đổi luật để kéo dài thời gian tại nhiệm, trong khi các quốc gia lân cận khác như Mali hay Chad cũng vừa trải qua các cuộc đảo chính tương tự trong những tháng gần đây.

Nhận định về tình hình, bà Alexis Arieff, chuyên gia làm việc tại Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ cho biết các cuộc đảo chính và binh biến ở Tây Phi không có gì mới nhưng khu vực này đang chứng kiến “sự thụt lùi dân chủ nghiêm trọng”. Các vụ việc diễn ra tại các quốc gia được coi là nghèo và bất ổn nhất ở châu Phi, khiến dư luận quốc tế thêm quan ngại cho an ninh tại khu vực.

Hồ Thiên (Tổng hợp)
.
.
.