Mỹ bàn với đồng minh đưa Iran trở lại thỏa thuận hạt nhân

Thứ Hai, 01/11/2021, 08:36

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 31/10 cho biết nước này đang “bàn cách” với Anh, Đức và Pháp nhằm đưa Iran trở lại thỏa thuận hạt nhân hạt nhân, tuy nhiên, không rõ liệu Tehran có sẵn sàng tham gia lại các cuộc đàm phán hay không, Reuters đưa tin. 

Mỹ bàn cách với đồng minh nhằm đưa Iran trở lại thỏa thuận hạt nhân  -0
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh Reuters. 

Phát biểu này của ông Blinken được đưa ra trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 31/10, một ngày sau khi Mỹ, Đức, Pháp và Anh thúc giục Iran nối lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 để “tránh leo thang nguy hiểm”.

Theo thỏa thuận này, Iran cắt giảm hoạt động hạt nhân bị phương Tây coi là có nguy cơ nhằm phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt toàn cầu. Năm 2018, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là ông Donald Trump rút khỏi thỏa thuận, khiến Tehran dần vi phạm các điều khoản.

Ông Blinken nhận định rằng điều quan trọng là “Iran có nghiêm túc với vấn đề này không”. “Tất cả các nước chúng tôi, đang làm việc với Nga và Trung Quốc, tin tưởng mạnh mẽ rằng đó sẽ là con đường tốt nhất”, ông Blinken cho biết.

Thỏa thuận hạt nhân không phải là nút thắt duy nhất giữa Iran và Mỹ. Hôm 29/10, Mỹ đã đưa ra một số biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Iran có liên quan đến chương trình máy bay không người lái của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran mà Mỹ cho là có nguy cơ đe dọa an ninh khu vực.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/10 cho biết, Mỹ sẽ đáp trả các hành động mà Iran đã thực hiện chống lại lợi ích của Washington, bao gồm cả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Anh, Pháp và Đức, hy vọng thuyết phục Tehran ngừng làm giàu uranium ở mức gần cấp vũ khí, cho biết hôm 30/10 rằng họ muốn một giải pháp thương lượng.

Ngoại trưởng Iran ngày 31/10 cho biết rằng nếu Mỹ nghiêm túc trong việc tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Tehran với các cường quốc thế giới, ông Biden có thể chỉ cần đưa ra “lệnh hành pháp” và “nếu Washington có một ý chí nghiêm túc nhằm quay trở lại thỏa thuận, thì tất cả các cuộc đàm phán này không cần thiết”.

Tiến Dũng
.
.
.