Mỹ "âm thầm" thử vũ khí siêu thanh để tránh leo thang căng thẳng với Moscow

Thứ Ba, 05/04/2022, 13:42

CNN trích dẫn nguồn tin quốc phòng Mỹ cho biết Washington hồi giữa tháng 3 thử nghiệm thành công vũ khí siêu thanh, tuy nhiên, "giữ im lặng" để tránh leo thang căng thẳng với Nga khi Tổng thống Joe Biden thời điểm đó chuẩn bị đến thăm châu Âu.

Mỹ
Máy bay B-52H Stratofortress của Mỹ trong một cuộc thử nghiệm hồi tháng 8/2021. Ảnh USAF.

Theo đó, Mỹ đã thử nghiệm chương trình vũ khí siêu thanh HAWC phóng từ máy bay ném bom B-52 từ bờ biển phía Tây nước này, đây là cuộc thử nghiệm thành công đầu tiên của hệ thống do Lockheed Martin sản xuất. Được biết, động cơ phản lực phun khí sẽ kích hoạt và có khả năng đẩy tên lửa đi với tốc độ siêu thanh từ mức Mach 5 (tương đương 1715 m/s) trở lên.

Không có nhiều thông tin về vụ thử nghiệm này. Tên lửa được cho là bay ở độ cao hơn 19 km với quãng đường hơn 480 km.

Vụ thử này diễn ra vài ngày sau khi Nga cho biết họ đã sử dụng tên lửa siêu thanh của riêng mình trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đồng thời tuyên bố nhắm mục tiêu vào một kho đạn dược ở miền Tây Ukraine.

Vào thời điểm Mỹ tiến hành vụ thử, Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị cho chuyến thăm đến các đồng minh NATO ở châu Âu, trong đó có chặng dừng chân ở Ba Lan, nơi ông gặp Ngoại trưởng và Bộ trưởng quốc phòng Ukraine.

Mỹ đã thận trọng không thực hiện các biện pháp hoặc đưa ra các tuyên bố có thể làm leo thang căng thẳng giữa Washington và Moscow một cách không cần thiết. Hôm 1/4, Mỹ đã hủy một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) để tránh Nga “hiểu sai”.

Nhìn chung, Mỹ tỏ ra kín đáo về các loại vũ khí và thiết bị mà họ viện trợ cho Ukraine. Washington đến nay chỉ công bố danh sách chi tiết các vũ khí trong gói hỗ trợ trị giá 300 triệu USD cho Kiev.

Mỹ cũng phản đối việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine, với quan ngại rằng phía Moscow có thể cho đây là một minh chứng cho thấy Washington và NATO tham chiến vào cuộc xung đột Ukraine.

Các quan chức Mỹ đến nay vẫn giữ im lặng về vụ thử vũ khí siêu thanh do những quan ngại tương tự.

Trong đề xuất ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2023, chính quyền Mỹ đã yêu cầu 7,2 tỷ USD dành cho các chương trình tên lửa tầm xa, bao gồm cả tên lửa siêu thanh. Một báo cáo quốc phòng được công bố năm ngoái cho thấy, Mỹ đã có ít nhất 70 động thái liên quan đến phát triển vũ khí siêu thanh, dự kiến ​​tiêu tốn gần 15 tỷ USD từ năm 2015 đến năm 2024.

Tiến Dũng
.
.
.