Mở toang cánh cửa gia nhập NATO cho Thụy Điển
Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover ngày 2/3 đã ký dự luật phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển và chuyển văn kiện này tới Văn phòng Tổng thống để ban hành. Dự kiến, dự luật này sẽ được Tổng thống Hungary ký ban hành trong 5 ngày tới.
Hôm 26/2 vừa qua, với 188 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Quốc hội Hungary đã phê chuẩn nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển, chấm dứt hơn 18 tháng trì hoãn động thái này. Đối với Thụy Điển, đây có thể là một sự kiện lịch sử. Bởi với việc gia nhập NATO, Stockholm sẽ chính thức từ bỏ chính sách trung lập và không liên kết quân sự duy trì trong suốt hai thế kỷ qua. Còn đối với NATO, theo giới chuyên gia, với sự gia nhập sắp tới của Thụy Điển, liên minh quân sự này hoàn tất được mảnh ghép cuối cùng và có thể theo đuổi các mục tiêu tham vọng hơn.
Các quan chức châu Âu cho biết, gia nhập NATO, các thành viên mới ở Bắc Âu mang đến một tư duy hoàn toàn mới. Thụy Điển đã mô phỏng phần lớn cách tiếp cận của mình dựa trên các kế hoạch sẵn sàng của Phần Lan, và sau khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014, Stockholm đã gắn chặt với chiến lược có tên “Phòng thủ toàn diện”. Một tập tài liệu dài 20 trang của chính phủ có tựa đề “Nếu khủng hoảng hoặc chiến tranh xảy ra” khuyến cáo người dân rằng: “Nếu Thụy Điển bị tấn công, cần phải phản kháng”.
Cách tiếp cận toàn xã hội của Thụy Điển rất đáng chú ý vì giống như hầu hết châu Âu, nước này không có biên giới trên đất liền với Nga và từ lâu đã hợp tác với Moscow thông qua các thỏa thuận kinh doanh và ngoại giao. Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren, có mẹ là người Thụy Điển, cho biết: “Cách tiếp cận toàn xã hội này là điều mà tất cả chúng ta đang nói đến”. Bà nói: “Ở Hà Lan, mọi người nghĩ rằng an ninh là thứ mà quân đội đảm nhiệm” và giờ đây chính phủ đang cố gắng khơi dậy một cuộc tranh luận rộng rãi hơn.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson cho biết: “Điều quan trọng là tạo ra nhận thức trong xã hội của bạn rằng môi trường an ninh đã xấu đi đáng kể trong những năm gần đây”. Nước này đang tăng cường phòng thủ dân sự và kêu gọi người dân đảm bảo các nguồn cung cấp nhu thiết yếu tại gia đình trong hai tuần, bao gồm thực phẩm, nước và radio không cần pin. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện cho Cơ quan Quản lý Trang thiết bị Quốc phòng, tỷ lệ ủng hộ của người dân Thụy Điển dành cho các lực lượng vũ trang đạt 81% vào năm ngoái. Đó là mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu được thực hiện vào năm 2012, khi tỷ lệ ủng hộ ở mức 56%.
Song song với củng cố trong nước, Thụy Điển cũng tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Stockholm gần đây đã công bố gói hỗ trợ quân sự thứ 15 cho Ukraine, trị giá hơn 690 triệu USD, là gói hỗ trợ quân sự lớn nhất từ trước đến nay. Hệ thống pháo cơ động Archer của Thụy Điển và xe chiến đấu bọc thép CV90 được đánh giá cao trên chiến trường ở Ukraine, và bom dẫn đường mới được sản xuất với sự hợp tác của Boeing gần đây đã bắt đầu tấn công các mục tiêu của Nga ở đó.
Do cả Thụy Điển và Phần Lan trong nhiều năm đều đã tham gia cùng NATO trong các cuộc tập trận và các biện pháp sẵn sàng khác nên tư cách thành viên của họ sẽ chỉ gây ra những thay đổi hạn chế trong thời gian ngắn bên trong liên minh. NATO cho biết, Phần Lan gần đây đã huấn luyện các quân đội đồng minh về một trong những chuyên môn của họ: Kỹ năng sinh tồn trong mùa đông.
Các nhà ngoại giao cho biết, theo thời gian, hai nước sẽ có tác động rộng hơn. Cả hai đều chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn mục tiêu 2% GDP của NATO. NATO cùng với Phần Lan và Thụy Điển giờ đây cũng sẽ kiểm soát gần như toàn bộ Biển Baltic, ngoại trừ một góc nhỏ giáp lãnh thổ Nga gần St. Petersburg. Việc NATO hóa vùng Baltic có nghĩa là bất kỳ tàu biển nào của Nga tiến vào Đại Tây Dương đều phải vượt qua vùng biển của liên minh này, qua biển Baltic hoặc về phía Bắc, đi qua Na Uy, thành viên sáng lập NATO.
Sự ủng hộ rộng rãi dành cho quân đội, kết hợp với lĩnh vực công nghệ dân sự đang bùng nổ của Thụy Điển, đã giúp ngành công nghiệp vũ khí của nước này luôn dẫn đầu. Đất nước 10,6 triệu dân đã thiết kế và sản xuất máy bay chiến đấu phản lực tiên tiến của riêng mình, Saab Gripen. Hãng Saab cũng chế tạo các tàu ngầm phức tạp và cùng với Boeing hiện đang sản xuất Bom đường kính nhỏ phóng từ mặt đất để sử dụng ở Ukraine và máy bay huấn luyện phản lực T-7 Red Hawk cho Không quân Mỹ.
Sức mạnh của ngành công nghiệp quốc phòng Thụy Điển bắt nguồn từ những năm nước này là một quốc gia không liên kết nhưng được trang bị vũ khí mạnh mẽ, tương tự như Thụy Sĩ. Các nhà lãnh đạo ở Stockholm không chỉ muốn có quân đội sẵn sàng mà còn có khả năng tự cung cấp vũ khí và Thụy Điển đã trở thành một trong những nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Chính phủ Thụy Điển năm ngoái đã đưa ra Sáng kiến Đổi mới Quốc phòng, mà Bộ trưởng Quốc phòng Pal Jonson cho biết nhằm mục đích tích hợp mạnh mẽ hơn các công nghệ dân sự và quân sự, làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa dân thường và lực lượng vũ trang.