MiG-29 Ukraine mang tên lửa Mỹ bị tiêm kích Nga bắn rơi

Thứ Hai, 26/09/2022, 10:19

Hai tiêm kích MiG-29 của Ukraine được hoán cải để mang tên lửa HARM bị máy bay Nga bắn rơi trong không chiến trên bầu trời tỉnh Mykolaiv ở miền Nam, theo Bộ Quốc phòng Nga.

Interfax ngày 25/9 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov tuyên bố, ít nhất 2 chiếc MiG-29 của Ukraine được hoán cải để mang tên lửa chống radar HARM do Mỹ viện trợ, đã bị tiêm kích Nga bắn rơi ở khu vực Novoukrainka và Bashtanka thuộc tỉnh miền Nam Mykolaiv.

MiG-29 Ukraine mang tên lửa Mỹ bị tiêm kích Nga bắn rơi trong không chiến -0
Khoảnh khắc tên lửa HARM được khai hỏa từ máy bay MiG-29 Ukraine. Ảnh: Quân đội Ukraine

Đây là lần thứ hai trong hai ngày Nga xác nhận MiG-29 của Ukraine mang tên lửa HARM bị hạ. Hôm 24/9, Nga thông báo một tiêm kích của họ đã khai hỏa trúng một chiếc MiG-29 của Ukraine bay trên bầu trời Dnipropetrovsk, khiến nó bốc cháy và rơi xuống đất.

Ông Konashenkov cũng khẳng định, quân đội Nga còn phá hủy một bệ phóng tên lửa phòng không Osa-AKM của Ukraine ở Zaporizhzhia, một xe phóng HIMARS ở Mykolaiv, 2 kho đạn cùng một chiếc tàu bọc thép Gyurza của Ukraine gần cảng Ochakov bên bờ biển Đen.

MiG-29 Ukraine mang tên lửa Mỹ bị tiêm kích Nga bắn rơi trong không chiến -0
Tên lửa HARM xuất hiện dưới cánh MiG-29 (bên trong) cùng tên lửa không đối không R-73. Ảnh: Quân đội Ukraine

Ukraine không bình luận về thông tin của Nga. Quân đội Ukraine trước đó từng công bố các hình ảnh cho thấy họ đang triển khai tên lửa chuyên diệt radar AGM-88 HARM do Mỹ chế tạo trên tiêm kích MiG-29 sản xuất từ thời Liên Xô.

Các máy bay MiG-29 đã thay đổi giá treo tên lửa dưới cánh, nhưng dường như không được chỉnh sửa nhiều do rào cản về công nghệ, thời gian. Các giá treo trên cánh MiG-29 có thể triển khai cả tên lửa HARM và tên lửa không đối không R-73 từ thời Liên Xô.

MiG-29 Ukraine mang tên lửa Mỹ bị tiêm kích Nga bắn rơi trong không chiến -0
MiG-29 của Ukraine. Ảnh: GettyImages

Giới chuyên gia nhận định, với Ukraine, tên lửa HARM cần nạp tọa độ mục tiêu trước khi máy bay cất cánh, phi công trên MiG-29 chỉ có nhiệm vụ khai hỏa tên lửa chứ không thể điều hướng tên lửa do khác biệt trong hệ thống điều khiển hỏa lực giữa thiết bị quân sự chuẩn NATO và chuẩn Liên Xô.

Giới chức Mỹ và Ukraine kì vọng HARM có thể giúp Kiev đối phó lưới phòng không dày đặc được Nga triển khai trong chiến sự. Tuy nhiên, Nga gần đây liên tục tuyên bố họ bắn rơi các quả đạn HARM được khai hỏa từ máy bay của Ukraine.

Thái Hà
.
.
.