Mất thương vụ tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD, Pháp triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Australia
Pháp đã triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Australia để tham vấn về việc hai nước này cùng với Anh đạt được thỏa thuận an ninh, khiến kế hoạch sản xuất tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD có sự tham gia của Pháp bị "chìm xuồng".
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, quyết định hiếm hoi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron được đưa ra do “tính chất nghiêm trọng của vấn đề”, theo Reuters.
Hôm 16/9, Australia xác nhận, sẽ hủy bỏ thỏa thuận sản xuất tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD với Pháp và thay vào đó sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với công nghệ của Mỹ và Anh sau khi 3 nước đạt được thỏa thuận về quan hệ đối tác an ninh. Pháp gọi đây là “một cú đâm sau lưng”.
Đây là lần đầu tiên Paris triệu hồi các đại sứ theo cách này. Dù tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pháp không nêu đích danh Anh, nhưng theo một nguồn tin ngoại giao, Pháp coi Anh là “kẻ cơ hội” trong vụ việc lần này.
Ngoại trưởng Le Drian cho rằng, thỏa thuận này là không thể chấp nhận được và hậu quả có thể “ảnh hưởng đến tất cả khía cạnh của "tình đồng minh", quan hệ đối tác của các nước và tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với châu Âu”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 16/9 đã cố gắng xoa dịu cơn tức giận của Pháp, nhấn mạnh rằng, Pháp là một đối tác quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngày 18/9, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã bác bỏ những lời chỉ trích của Pháp rằng, nước này không đưa ra bất kỳ lời cảnh báo nào. Ông Morrison từng đề cập đến khả năng hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm năm 2016 với Pháp trong một cuộc nói chuyện với Tổng thống Macron, dù thừa nhận rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới quan hệ hai nước.
Căng thẳng giữa các đồng minh của Mỹ nổi lên trong bối cảnh Washington nỗ lực tăng cường sự hỗ trợ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương do lo ngại về ảnh hưởng ngày một lớn của Trung Quốc tại đây.
Pháp sắp đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Liên minh châu Âu, tổ chức này hôm 16/9 đã đưa ra chiến lược mới về Ấn Độ - Thái Bình Dương.