Lời cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Thứ Tư, 15/12/2021, 08:00

Phát biểu ngày 14/12 tại Indonesia - điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du tới 3 nước Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Thái Lan), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết Washington sẽ thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Mở màn bài phát biểu về cách tiếp cận của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Blinken tuyên bố Mỹ tự hào là một quốc gia thuộc khu vực này, vạch ra một tầm nhìn chung cho khu vực, đồng thời khẳng định Washington sẽ hợp tác với các đồng minh và đối tác để biến tầm nhìn đó thành hiện thực. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nêu rõ năm trụ cột trong cách tiếp cận của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thứ nhất, Mỹ sẽ thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, trong đó các vấn đề sẽ được giải quyết một cách công khai, các quy tắc sẽ đạt được một cách minh bạch và được áp dụng một cách công bằng; hàng hóa, ý tưởng và con người sẽ lưu thông tự do trên đất liền, không gian mạng và biển cả, với quản trị minh bạch và đáp ứng yêu cầu của người dân.

Lời cam kết của Mỹ đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương -0
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Getty Images

Thứ hai, Mỹ sẽ tạo ra các kết nối mạnh mẽ hơn trong và ngoài khu vực thông qua làm sâu sắc quan hệ với các đồng minh hiệp ước gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan; thúc đẩy sự hợp tác lớn hơn giữa các đồng minh và tìm cách kết nối các đồng minh với các đối tác như đã thực hiện với Nhóm Bộ tứ (Quad).

Thứ ba, thúc đẩy sự thịnh vượng khu vực trên diện rộng thông qua theo đuổi các mục tiêu chung, bao gồm thuận lợi hóa thương mại, kinh tế số và công nghệ, chuỗi cung ứng linh hoạt, khử carbon và năng lượng sạch, phát triển cơ sở hạ tầng và các ưu tiên khác.

Thứ tư, Mỹ sẽ giúp xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có khả năng phục hồi hơn trước đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng khí hậu. Cuối cùng, Mỹ sẽ tăng cường an ninh tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương dựa vào sức mạnh lớn nhất của mình đó là các liên minh và quan hệ đối tác.

Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định: “Mỹ không muốn xảy ra xung đột tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đó là lý do tại sao Mỹ tìm kiếm giải pháp ngoại giao nghiêm túc và bền bỉ với CHDCND Triều Tiên, với mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Đó cũng là lý do Tổng thống Joe Biden đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng hai nước chia sẻ trách nhiệm phải đảm bảo sự cạnh tranh giữa hai nước không chệch hướng thành xung đột. Nếu không làm được như vậy, sẽ là bi kịch cho tất cả chúng ta”.

Quan chức ngoại giao Mỹ đồng thời cho rằng, cam kết lâu dài của Mỹ đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sự hợp tác của Mỹ với các đồng minh và đối tác sẽ giúp Mỹ đạt được một khu vực tự do và cởi mở, liên kết với nhau, thịnh vượng, có khả năng phục hồi và an toàn cho tất cả mọi người.

Hiện môi trường địa chiến lược đang thay đổi nhanh chóng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Việc Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chỉ vài giờ sau khi có thông báo về quan hệ đối tác an ninh ba bên mới AUKUS (Australia, Anh và Mỹ) là hai sự kiện minh họa rõ ràng nhất.

Đối với những quốc gia đề xuất, AUKUS là một phản ứng thận trọng, thực tế và có tầm nhìn xa đối với mối đe dọa hiện hữu mà Australia nhận thấy trong môi trường chiến lược đang phát triển và ngày càng căng thẳng đang nổi lên ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Giống như nhiều quốc gia khác, Australia đang lo lắng trước cách tiếp cận mạnh mẽ hơn mà Trung Quốc đang thực hiện. Để đối phó với thách thức này, Mỹ vẫn coi Canberra như một đối tác không thể thay thế.

Đối với Mỹ, AUKUS là một chiến thắng. Thỏa thuận này cho thấy mức độ ưu tiên của Washington đối với việc tăng cường hợp tác cùng các đồng minh quan trọng và tăng cường khả năng quân sự để hỗ trợ ngăn chặn các thách thức an ninh trong khu vực. Trong khi đó, quan hệ đối tác “mãi mãi” đặc biệt mang tính hệ quả đối với Australia. Australia, một đồng minh chiến lược và tin cậy lâu đời ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nước này đóng vai trò lớn trong các tính toán khu vực của Washington.

Trong khi đó đối với Anh, AUKUS là một biểu hiện hữu hình về tham vọng toàn cầu của nước Anh thời kỳ hậu Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), đồng thời củng cố trọng tâm xoay trục mới về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua các thỏa thuận thương mại với Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. AUKUS đã khẳng định vị thế của Anh như một đối tác thân thiết và đáng tin cậy của Mỹ. Tại thời điểm khi mà chia rẽ chính trị và bất ổn tiếp tục diễn ra ở Mỹ, một số người cho rằng AUKUS là một canh bạc đối với việc Mỹ duy trì quyền lực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Có thể đoán trước được rằng Trung Quốc đã phản ứng với AUKUS. Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với cách tiếp cận an ninh cứng rắn trong khu vực, Bắc Kinh đã cho thấy nỗ lực gia nhập CPTPP. Điều này thể hiện cam kết hợp tác của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại tại châu Á-Thái Bình Dương dựa trên luật lệ.

Thật trớ trêu khi CPTPP - ban đầu được Mỹ coi là phương tiện để đối trọng với Trung Quốc - giờ lại được Bắc Kinh coi là một cách để nâng cao sức nặng kinh tế và ảnh hưởng trong khu vực. Hơn nữa, điều này được đặt lên hàng đầu sau khi Trung Quốc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại thậm chí còn rộng hơn, bao gồm cả Trung Quốc (nhưng không phải Mỹ), nhằm thúc đẩy dòng chảy thương mại khu vực được cải thiện và kết nối chuỗi cung ứng.

Có thể thấy, việc Washington không tham gia vào các sáng kiến hội nhập kinh tế khu vực đã ngăn cản Mỹ thách thức một cách hiệu quả các cách tiếp cận của Bắc Kinh trong khu vực. Khi chỉ tập trung hạn chế vào việc răn đe an ninh đối với Trung Quốc, đồng thời tránh một con đường rộng lớn hơn bao gồm hội nhập kinh tế và thương mại với các quốc gia Đông Á, Washington có thể đã bỏ lỡ những cơ hội. Trong khi đó, giả sử các thành viên CPTPP đồng ý mở các cuộc đàm phán gia nhập với Trung Quốc và Anh, các cuộc đàm phán chắc chắn sẽ có khó khăn trong các vấn đề như trợ cấp nhà nước, giải quyết tranh chấp và luồng dữ liệu xuyên biên giới.

Với AUKUS và CPTPP, môi trường địa chiến lược đang chuyển dịch và chuyển động nhanh tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ trở nên khốc liệt hơn.

Khổng Hà
.
.
.