Loại trừ xung đột, mở đường ngoại giao
Căng thẳng xoay quanh Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Moscow thông báo rút bớt lực lượng gần biên giới về căn cứ thường trực. Nhiệm vụ của các bên lúc này là cần sớm ngồi vào bàn đàm phán tìm kiếm một thoả thuận hài hoà lợi ích nhằm đảm bảo an ninh lâu dài ở châu Âu.
"Nga không muốn chiến tranh"
Trong thông điệp được đưa ra ngay sau cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Điện Kremlin ngày 15/2 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin một mặt cảnh báo "không thể nhắm mắt làm ngơ" trước việc Mỹ và khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có hành động gây phương hại tới an ninh của Nga, song khẳng định Moscow "không muốn chiến tranh" mà đặt kì vọng vào các cuộc đàm phán, Reuters đưa tin. "Chúng tôi không muốn chiến tranh. Đó là lý do mà chúng tôi đề xuất đàm phán, với kết quả đạt được phải là một thoả thuận an ninh công bằng cho tất cả, bao gồm đất nước của chúng tôi", Tổng thống Putin nhấn mạnh.
Giữa lúc căng thẳng xung quanh Ukraine leo thang gần như đến mức đỉnh điểm và phương Tây dự đoán xung đột có thể sẽ nổ ra ngay trong tuần này, ông Putin đã trực tiếp thông báo tại cuộc họp báo với Thủ tướng Đức rằng một phần lực lượng Nga sẽ được rút khỏi khu vực tiếp giáp biên giới Ukraine theo đúng tuyên bố trước đó của Bộ Quốc phòng Nga về việc một số cuộc tập trận ở khu vực đã hoàn tất và các đơn vị thuộc Quân khu phía Nam, Quân khu phía Tây của quân đội Nga sẽ lên đường trở về căn cứ thường trực.
Đáp lời Tổng thống Nga, Thủ tướng Đức hoan nghênh việc Moscow rút bớt quân tại khu vực biên giới với Ukraine, cho thấy vẫn còn khả năng tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng bằng đường ngoại giao. Nhà lãnh đạo Đức cũng thừa nhận vai trò của Nga trong đảm bảo an ninh châu Âu khi nhấn mạnh: "Đối với người châu Âu, nền an ninh lâu dài rõ ràng không thể đạt được nếu đối đầu với Nga, mà cần phải song hành cùng Nga".
Vài giờ sau phát biểu của ông Putin, Bộ Quốc phòng Nga ngày 16/2 thông báo hoạt động diễn tập ở Crimea đã hoàn tất và lực lượng tăng cường sẽ được rút về căn cứ thường trực. Trong đoạn video do Nga đăng tải, hàng trăm xe tăng, thiết giáp chở quân, xe chiến đấu bộ binh đã được vận chuyển bằng tàu hoả từ Crimea qua cầu Kerch sang phần đất liền của Nga. Đây được xem là chỉ dấu đầu tiên cho thấy Nga đang thực sự rút quân, dù số lượng khí tài và binh sĩ được điều chuyển khỏi khu vực biên giới chưa được công bố.
Phương Tây cũng cần nhượng bộ?
Dù rút bớt lực lượng khỏi biên giới, song các hoạt động quân sự gần đây của Nga cho thấy năng lực quân sự mạnh mẽ và thái độ cương quyết của nước này xung quanh các yêu cầu an ninh mà Moscow gửi tới Mỹ cùng đồng minh NATO cuối năm ngoái. Giới quan sát cho rằng, phương Tây nên tiếp nhận việc Nga rút quân như một động thái thiện chí và nghiêm túc cân nhắc lợi ích an ninh của Nga để sớm tìm kiếm một thoả thuận an ninh phù hợp ở châu Âu.
Trong bình luận về việc Nga rút quân, dù cho rằng lực lượng Nga hiện nay gần Ukraine vẫn đủ để Moscow phát động chiến tranh nhằm vào quốc gia láng giềng, nhưng Tổng thống Mỹ đã mở đường cho các cuộc đàm phán. "Chúng ta nên cho ngoại giao mọi cơ hội để thành công và tôi tin rằng có những cách thực sự để giải quyết những lo ngại về an ninh tương ứng của chúng ta", ông Biden phát biểu. "Chỉ cần có hy vọng về một giải pháp ngoại giao để ngăn chặn xung đột thì chắc chắn chúng tôi sẽ theo đuổi nó".
Thủ tướng Anh Boris Johnson một mặt kêu gọi Nga công bố bằng chứng rút quân, nhưng mặt khác cũng khẳng định tuyên bố của Moscow là "chỉ dấu của một sự cởi mở ngoại giao. "Đã có cơ hội để đối thoại, có cơ sở để khởi động đàm phán về Ukraine, với Ukraine.Điều đó thật tuyệt.Chúng tôi đang thấy sự cởi mở của Nga với các cuộc đối thoại", Thủ tướng Anh phát biểu.
Từ Brussels, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thì khẳng định khối ưu tiên đối thoại cùng Nga. "Nga vẫn còn thời gian để lùi khỏi bờ vực, ngừng chuẩn bị cho chiến tranh và bắt đầu tìm kiếm một giải pháp hòa bình", ông Stoltenberg nói, đồng thời mô tả tình hình hiện nay là "cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất từng xảy ra ở châu Âu trong nhiều thập niên".
Hiện vẫn chưa rõ Mỹ và NATO sẽ nhượng bộ đến đâu về các đề xuất an ninh của Nga. Trong văn bản trả lời Nga hồi tháng trước, phương Tây đã khước từ cam kết ngừng mở rộng về phía Đông và từ chối huỷ bỏ kế hoạch kết nạp Ukraine - yêu cầu quan trọng nhất mà Moscow muốn phương Tây đáp ứng.
Theo Guardian, các Bộ trưởng Quốc phòng NATO dự kiến nhóm họp trong tuần này để tiếp tục thảo luận về căng thẳng xung quanh Ukraine và kế hoạch thành lập các nhóm tác chiến đa quốc gia, với khoảng 1.000 quân mỗi nhóm tại các quốc gia Đông Âu nhằm sẵn sàng đối phó với bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào nhằm vào các quốc gia đồng minh. NATO rõ ràng cần thận trọng với kế hoạch này, bởi nếu nó được triển khai trên thực tế, một bước đi như vậy sẽ là sự thay đổi thế trận lực lượng lớn nhất của NATO kể từ khi tổ chức này thành lập các nhóm tác chiến hồi năm 2014, đi ngược lại các yêu cầu an ninh của Moscow, đồng thời có thể bỏ lỡ cơ hội quan trọng nhằm sớm đạt được một thoả thuận an ninh mới ở châu Âu giữa Nga và phương Tây.