Liệu hòa đàm Nga - Ukraine có như "hái sao trên trời" ?

Thứ Năm, 29/08/2024, 07:05

Ngày 28/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố không có lý do để đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin về việc chấm dứt xung đột. Tuyên bố được ông Zelensky đưa ra trong bối cảnh các lực lượng Nga gần đây dồn dập nã hàng trăm tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào nhiều mục tiêu bên trong lãnh thổ Ukraine.

Truyền thông quốc tế nhận định, đây là đợt không kích lớn nhất nhì của Nga kể từ khi nổ ra xung đột hồi tháng 2/2022, đồng thời được coi là câu trả lời của Moscow trước việc Kiev đột kích tỉnh Kursk, buộc đưa Nga vào bàn đàm phán. Trước những diễn biến khó lường từ các bên, giới phân tích chính trị thế giới đặt ra câu hỏi lớn, liệu hòa đàm Nga - Ukraine có như hái sao trên trời?

TASS ngày 28/8 đưa tin, từ đầu tuần tới nay, báo động không kích liên tục vang lên ở nhiều khu vực thuộc Ukraine, khi hàng trăm tên lửa và UAV của Nga nã xuống trong đợt không kích được cho là lớn nhất nhì của Moscow kể từ khi xung đột nổ ra hồi tháng 2/2022.

Liệu hòa đàm Nga - Ukraine có như
Nga và Ukraine đều tuyên bố hiện không phải thời điểm để đàm phán hòa bình. Nguồn: Getty

Truyền thông địa phương dẫn lời Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, chỉ tính riêng hôm 26/8, Nga đã phóng ít nhất 127 tên lửa và 109 UAV nhắm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Kiev, gồm các khu vực Lviv và Rivne ở phía Tây và Zaporizhzhia ở phía Đông Nam Ukraine, gây mất điện hàng loạt. Không quân Ukraine cho biết thêm, Kiev đã nắm được thông tin về việc máy bay ném bom chiến lược hạng nặng Tu-95MS cất cánh ở miền Tây nước Nga.

Ngoài ra, trên bộ, lực lượng Nga tấn công dồn dập ở chiến tuyến phía Đông Ukraine bằng pháo và bom lượn, áp sát thành phố trọng điểm hậu cần Pokrovsk. Những đợt tấn công nêu trên của Nga diễn ra sau khi Ukraine liên tiếp tuyên bố có những bước tiến tích cực ở mặt trận Kursk và đang tìm kiếm đột phá với các cuộc tấn công vào một số đồn biên phòng ở vùng Belgorod.

Trước những diễn biến này, Tổng thống Zelensky so sánh tình hình Ukraine hiện tại với cuộc tấn công chưa từng có của Iran nhằm vào Israel hồi tháng 4, đồng thời khẩn cấp kêu gọi các đồng minh phương Tây hỗ trợ Kiev chống đỡ các cơn mưa hỏa lực. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông Zelensky nhấn mạnh: "Điều quan trọng là các đối tác của Ukraine phải duy trì các cam kết, đặc biệt là liên quan đến viện trợ hệ thống phòng không, tên lửa".

Tổng thống Ukraine một lần nữa thúc giục các đồng minh dỡ bỏ hạn chế đối với Kiev về việc sử dụng vũ khí tầm xa để tiến hành các cuộc tấn công sâu hơn vào bên trong lãnh thổ Nga. Đặc biệt, ông Zelensky tuyên bố hiện không có lý do để đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Trước đó, Tổng thống Putin nêu rõ, sau các cuộc đột kích vào khu vực Kursk của Ukraine, bất kỳ cuộc đàm phán nào đều không thể diễn ra.

Giới quan sát chính trị quốc tế nhận định, chiến dịch đột kích vùng biên giới Kursk ở Nga đã giúp Ukraine rất nhiều trong việc giảm các thảo luận xung quanh chủ đề nhượng bộ lãnh thổ đổi lấy hòa bình. Tuy vậy, bước đi này hiện dập tắt cơ hội hòa đàm.

Reuters dẫn bình luận của một số học giả phân tích, những dự đoán trước đó về chiến dịch quân sự chớp nhoáng của Nga đã nhường chỗ cho thực tế về một cuộc xung đột tiêu hao sinh lực ở Ukraine và giờ là thêm cả mặt trận Kursk. Tổng thống Putin đã có những nỗ lực nhất quán nhằm tăng cường liên minh với các nước thân thiện với Nga, trong khi Tổng thống Zelensky cũng đi nhiều nơi để tìm kiếm sự hỗ trợ về vũ khí và ngoại giao.

Mục tiêu ban đầu của Nga khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng là ngăn chặn sự hòa nhập của Ukraine vào liên minh phương Tây. Mục tiêu này cho đến nay vẫn được giữ nguyên. Trong khi đó, Kiev vẫn hy vọng gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi xung đột rơi vào bế tắc. Các nhà phân tích cho rằng, cả Nga và Ukraine có lẽ đã ý thức về một cuộc xung đột kéo dài khi mỗi bên quả quyết không thương lượng với các điều kiện đàm phán của đối phương.

Trước đó, tại cuộc họp báo ở Thủ đô Kiev hôm 27/8, Tổng thống Zelensky cho biết có kế hoạch tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 9, nơi ông sẽ gặp Tổng thống Biden. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng tiết lộ, sẽ gửi tới Mỹ kế hoạch chiến thắng của Kiev và thành công của kế hoạch này chủ yếu phụ thuộc vào việc Mỹ, trong đó liên quan tới việc liệu Mỹ có đáp ứng những yêu cầu về viện trợ vũ khí của Ukraine hay không. Ông Zelensky cũng sẽ gửi kế hoạch chiến thắng tới bà Kamala Harris và ông Donald Trump - hai ứng viên tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới.

Đề cập đến chi tiết của kế hoạch, nhà lãnh đạo Ukraine tiết lộ, kế hoạch 4 giai đoạn này bắt đầu bằng cuộc đột kích vào Kursk. "Hướng thứ hai là vị trí chiến lược của Ukraine trong cơ sở hạ tầng an ninh của thế giới. Hướng thứ ba là gói biện pháp mạnh mẽ buộc Nga phải chấm dứt xung đột bằng con đường ngoại giao và hướng thứ tư là vấn đề kinh tế", ông Zelensky chia sẻ. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng Ukraine đang hăm dọa phương Tây khi đòi được phép tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Ông Lavrov nhấn mạnh, Nga đang điều chỉnh học thuyết hạt nhân của mình.

Trong một diễn biến có liên quan, hiện đã có những lo ngại về nguy cơ một mặt trận xung đột mới ở châu Âu, nhất là sau khi Ukraine bất ngờ tấn công khu vực Kursk của Nga, đồng minh lớn nhất của Belarus. Trích dẫn một số thông tin tình báo, Bộ Ngoại giao Ukraine cáo buộc Belarus tập trung số lượng lớn binh sĩ, bao gồm lực lượng tác chiến đặc biệt, vũ khí và thiết bị quân sự ở khu vực Gomel gần biên giới phía Bắc Ukraine với lý do tập trận. Đây cũng là khu vực nằm gần Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl. Bộ Ngoại giao Ukraine cảnh báo trong trường hợp Belarus xâm phạm biên giới quốc gia, nước này sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để thực hiện quyền tự vệ.

Về phần mình, Belarus cũng cáo buộc UAV của Ukraine liên tục xâm phạm không phận trong cuộc tấn công vào khu vực Kursk của Nga hôm 6/8. Tổng thống Belarus Lukashenko tuyên bố: "Có hơn 120.000 quân Ukraine trên biên giới giữa Belarus và Ukraine. Họ đã điều quân tới gần biên giới của chúng tôi và Belarus sẽ triển khai ở đó. Trong trường hợp xung đột nổ ra, quân đội của chúng tôi dọc theo toàn bộ biên giới sẽ phòng thủ". Tuy nhiên Ukraine đã bác mọi cáo buộc và nêu rõ nước này chưa và sẽ không bao giờ thực hiện hành động thù địch nào chống lại người dân Belarus.

Kim Khánh
.
.
.