Liên Hợp Quốc đưa ra “báo động đỏ” cho nhân loại về biến đổi khí hậu

Thứ Hai, 09/08/2021, 21:21

Các nhà khoa học về khí hậu hàng đầu thế giới hôm 9/8 đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ nhất về tình trạng khẩn cấp liên quan đến biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc.

Theo CNBC, báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biển đổi Khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo, mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu dưới mức tăng từ 1,5 độ C đến 2 độ C so với mức tiền công nghiệp – theo Thỏa thuận Khí hậu Paris - “sẽ nằm ngoài tầm với” trong hai thập kỷ tới nếu không cắt giảm phát thải khí nhà kính “ngay lập tức, nhanh chóng và quy mô lớn”.

Thật vậy, ngưỡng 1,5 độ C là một mục tiêu quan trọng trên toàn cầu bởi vượt quá mức này, cái gọi là điểm giới hạn sẽ có nguy cơ xảy ra hơn, từ đó dẫn đến sự không thể đảo ngược trong hệ thống khí hậu, thúc đẩy tình trạng nóng lên toàn cầu.

Liên Hợp Quốc đưa ra “báo động đỏ” cho nhân loại về biến đổi khí hậu -0
 Khói từ đám cháy rừng bao trùm Yakutsk, thủ phủ của Cộng hòa Sakha ở vùng Siberia thuộc Nga hôm 27/7. (Ảnh: Getty)

Nếu Trái Đất nóng lên thêm 2 độ C, báo cáo này cho hay nhiệt độ cực đoan sẽ khiến nông nghiệp và tình trạng sức khỏe con người sẽ tiến tới ngưỡng chịu đựng.

Tổng thư ký LHQ António Guterres mô tả báo cáo này là “một báo động đỏ đối với nhân loại”. “Những hồi chuông báo động này đang bị làm thinh, và bằng chứng cho việc này là không thể chối cãi: khí thải nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch cũng như cháy rừng đang bóp nghẹt hành tinh của chúng ta và đang khiến hàng tỷ người gặp nguy hiểm”, ông Guterres nhấn mạnh.

Được 195 quốc gia thành viên thông qua hôm 6/8, những cảnh báo mới đây nhất của IPCC đã đề cập đến cơ sở khoa học của biến đổi khí hậu và phác thảo cách con người đang thay đổi hành tinh. Đây là bản báo cáo đầu tiên trong số 4 báo cáo được công bố định kỳ dưới sự đánh giá hiện tại của IPCC, với các báo cáo tiếp theo dự kiến ​​được sẽ được đưa ra vào năm tới.

Liên Hợp Quốc đưa ra “báo động đỏ” cho nhân loại về biến đổi khí hậu -0
Các đám cháy rừng nghiêm trọng vẫn đang tiếp tục tàn phá Evia, hòn đảo lớn thứ hai ở Hy Lạp suốt nhiều ngày qua. (Ảnh: Reuters)

Phần đầu tiên của Báo cáo đánh giá thứ 6 của IPCC cung cấp cho các nhà lãnh đạo thế giới những tóm lược liên quan đến tiêu chuẩn vàng về khoa học khí hậu hiện đại trước khi diễn ra Hội nghị về biến đổi khí hậu LHQ (COP26) vào đầu tháng 11.

Bình luận về việc công bố bản báo cáo này, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry cho biết, nó đã nhấn mạnh “tính cấp thiết quá lớn hiện nay”. Về phần mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson hy vọng rằng, đây có thể là một “lời cảnh tỉnh” cho các nhà lãnh đạo toàn cầu trước thềm COP26.

Theo nhà khoa học về khí hậu, “rõ ràng” là con người đã gây ra ảnh hưởng đến sự nóng lên toàn cầu với những thay đổi nhãn tiền đang tác động đến mọi khu vực trên hành tinh, có những thay đổi là “vô tiền khoáng hậu”, trong khi một số thay đổi khác - chẳng hạn như mực nước biển tiếp tục dâng - được dự đoán là “không thể đảo ngược trong hàng trăm đến hàng nghìn năm”.

Báo cáo chỉ ra rằng sự phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của con người là nguyên nhân gây ra hiện tượng nóng lên khoảng 1,1 độ C kể từ năm 1850-1900, và theo đánh giá, tính trung bình trong 20 năm tới, nhiệt độ toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt hoặc vượt quá ngưỡng 1,5 độ C.

IPCC cho biết việc cắt giảm “mạnh mẽ và bền vững” lượng khí thải carbon và các khí nhà kính khác sẽ hạn chế được sự biến đổi khí hậu. Các lợi ích như chất lượng không khí sẽ được cải thiện nhanh chóng, trong khi có thể mất 20 đến 30 năm để nhiệt độ toàn cầu ổn định.

Báo cáo của IPCC chỉ rõ, không chỉ về nhiệt độ, biến đổi khí hậu đang mang lại những thay đổi khác nhau ở các khu vực khác nhau. Những thay đổi này bao gồm mưa lớn và lũ lụt thường xuyên hơn, hạn hán khắc nghiệt hơn ở nhiều vùng, các khu vực ven biển chứng kiến ​​mực nước biển tiếp tục dâng cao trong suốt thế kỷ 21, thúc đẩy quá trình tan bang hay hiện tượng axit hóa đại dương… Theo sau đó là một loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn thế giới. Giả dụ, chỉ trong vài tuần gần đây, lũ lụt đã tàn phá châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi khói độc bao trùm Siberia và các vụ cháy rừng bùng phát ngoài tầm kiểm soát ở Mỹ , Canada, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ.

Liên Hợp Quốc đưa ra “báo động đỏ” cho nhân loại về biến đổi khí hậu -0
 Một khu vực bị mưa lũ tàn phá ở thị trấn Bad Muenstereifel, bang North Rhine-Westphalia của Đức hôm 19/7. (Ảnh: Reuters)

Các nhà hoạch định chính sách đang chịu sức ép rất lớn trong việc thực hiện những cam kết được đưa ra như một phần trong Thỏa thuận Paris trước COP26. Tuy nhiên, ngay cả khi các nhà lãnh đạo toàn cầu công khai thừa nhận xã hội đang cần phải chuyển sang giai đoạn ít sử dụng khí carbon hơn, thì thực tế cho thấy sự phụ thuộc của thế giới vào nhiên liệu hóa thạch dự kiến ​​sẽ còn trở nên ngày càng tăng.

Trước đó, được xuất bản năm 2014, Báo cáo Đánh giá thứ 5 của IPCC đã cung cấp những dữ liệu khoa học quan trọng cho Thỏa thuận Paris.

Gần 200 quốc gia đã thông qua Hiệp định khí hậu Paris tại COP21 năm 2015, nhất trí giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này dưới 2 độ C, rồi tiếp đó cùng thúc đẩy nỗ lực để xuống còn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây vẫn là một trọng tâm chính trước COP26, mặc dù một số nhà khoa học khí hậu hiện nay tin rằng việc đạt được mục tiêu thứ hai là “gần như không thể”.

Cao Trung
.
.
.