Thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu

Thứ Sáu, 23/04/2021, 07:32
Với sự góp mặt của hơn 40 nhà lãnh đạo thế giới, Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu do Mỹ đăng cai được đánh giá là dịp quan trọng để cộng đồng quốc tế tìm ra những giải pháp tập thể thiết thực hướng tới mục tiêu giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tình hình mới.


Theo tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì diễn ra trong hai ngày 22 và 23/4 (giờ Mỹ) bằng hình thức trực tuyến, với sự góp mặt của hơn 40 nhà lãnh đạo tới từ khắp thế giới. Được  tổ chức trong bối cảnh đại dịch COVID-19 phần nào làm đình trệ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, sự kiện này là cơ hội để đảm bảo Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 26) tại Vương quốc Anh vào tháng 11/2021 tới có được những kết quả rõ ràng, với những kế hoạch hành động cụ thể tới năm 2030.

Reuters cho biết, hội nghị diễn ra chỉ 3 tháng từ thời điểm ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, cho thấy cam kết của chính quyền Mỹ đương nhiệm với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Trên thực tế, ngay ngày đầu tiên cầm quyền, ngày 20/1, ông Biden đã ký sắc lệnh đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, tiếp đó đã công bố kế hoạch hơn 2.000 tỷ USD nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Chính quyền của ông Biden những tháng qua cũng rất tích cực tìm kiếm sự đồng thuận về cách thức ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ, cựu Ngoại trưởng John Kerry, gần đây đã thực hiện hàng loạt chuyến công du tới châu Âu và châu Á nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này, theo đúng tinh thần mà ông từng khẳng định: "Không hợp tác chính là tự sát" vì biến đổi khí hậu là thách thức của cả hành tinh.

Biến đổi khí hậu được xem là thách thức chung mà các nước cần đoàn kết để ứng phó. Ảnh: Getty Images

Tạm gác bất đồng với Nga và Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Biden đã trực tiếp đề cập đến hội nghị lần này trong cuộc điện đàm tuần trước với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, cũng như gửi lời mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bắc Kinh và Moscow sau đó đã xác nhận sự tham dự của ông Putin và ông Tập. Dự kiến, cả hai nhà lãnh đạo sẽ có bài phát biểu quan trọng. Các chuyên gia coi đây là tín hiệu rất tích cực cho thấy sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế trong xử lý vấn đề mang tính toàn cầu này, vốn đã bị đóng băng khoảng 4 năm vừa qua.

Trong thông báo của Nhà Trắng, tại hội nghị, các đại biểu dự kiến thảo luận về những công nghệ mới và biện pháp giúp các quốc gia dễ bị tổn thương thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu. Lãnh đạo các nước cũng sẽ bàn về cách thức tăng cường năng lực bảo vệ người dân và sinh kế, cũng như giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu mà quá trình biến đổi khí hậu có thể tạo ra.

Với vai trò chủ nhà, Mỹ sẽ công bố mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng, có thể lên đến 50% lượng khí thải vào năm 2020, con số vượt xa mức 26-28% mà chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama từng cam kết. Phía Mỹ cũng có kế hoạch công bố các khoản ngân sách mới nhằm kiềm chế tốc độ nóng lên của Trái đất dưới ngưỡng 1,5 độ C đến cuối thế kỉ 21. Trong lời mời gửi lãnh đạo các nước, ông Biden đã kêu gọi các nước cùng đóng góp ngân sách cho nỗ lực này.

Trong diễn biến tích cực liên quan, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh lần này, khối Liên minh châu Âu (EU) thông báo đã đạt được một thỏa thuận tạm thời nhưng quan trọng, với mục tiêu biến họ trở thành khối trung hòa khí thải carbon trước năm 2050.

"Cam kết chính trị của chúng tôi về việc trở thành châu lục trung hòa khí thải carbon đến năm 2050 chính là một cam kết pháp lý. Luật khí hậu này sẽ đặt EU vào một "lộ trình xanh", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 21/4 tuyên bố.

Theo AP, trong khuôn khổ thỏa thuận trên, EU sẽ giảm phát thải khí CO2 ít nhất 55% đến năm 2030 so với năm 1990. Thỏa thuận này vẫn cần có sự phê duyệt chính thức của các nước thành viên EU cũng như Nghị viện châu Âu, song giới chuyên gia nhận định mọi chuyện chỉ là vấn đề thời gian.

Trung Quốc, quốc gia đứng cùng Mỹ trong danh sách hai nước phát thải lượng khí thải CO2 nhiều nhất thế giới, mới đây cũng đã công bố mục tiêu giảm thải CO2 "lên mức cao nhất" trước năm 2030 và sau đó đưa về mức trung hòa vào năm 2060. Trước mắt, nước này sẽ giảm phát thải 18% CO2 trong vòng 5 năm tới.

Nga, quốc gia phát thải CO2 lớn thứ tư thế giới, cũng đặt lộ trình giảm lượng phát thải xuống ngưỡng thấp hơn EU trong vòng 30 năm. "Chúng ta phải ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu", Tổng thống Nga Putin ngày 21/4 nhấn mạnh trong Thông điệp Liên bang thường niên.

Có thể nói, cộng đồng quốc tế đang ngày càng nhận thức rõ ràng về tính cấp bách của vấn đề biến đổi khí hậu. Các nước cũng đang dần hình thành sự thống nhất chính trị về việc cần những nỗ lực tập thể để giải quyết vấn đề hóc búa này, trong bối cảnh nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn hứng chịu thêm nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan do hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu.

Tuy vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng chừng đó là chưa đủ để đạt được các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của LHQ, tới nay, hơn 100 quốc gia chịu trách nhiệm cho khoảng 65% lượng khí thải toàn cầu chưa chính thức công bố thời hạn trung hòa khí thải CO2. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) mới đây thông báo, lượng phát thải CO2 trên toàn cầu vẫn duy trì đà tăng đáng kể trong các năm 2019 và 2020. Năm 2020 vừa qua còn được mô tả là một trong những năm nóng nhất mà thế giới từng ghi nhận.

Hôm 20/4, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo thế giới sắp hết thời gian để giải quyết cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. "Chúng ta đang ở bên bờ vực thẳm", Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh và kêu gọi các nước biến năm 2021 là năm của hành động để bảo vệ con người khỏi những "hậu quả thảm khốc" mà quá trình biến đổi khí hậu tạo ra.

Thiện Nhân
.
.
.