I-ốt trở thành "hàng hot" tại Trung Âu giữa chiến sự Nga - Ukraine
Trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine vẫn đang tiếp tục leo thang, người dân nhiều nước Trung Âu đã đổ xô đi mua i-ốt để tích trữ, nhằm phòng tránh nguy cơ ung thư do nhiễm xạ, Reuters ngày 3/3 đưa tin.
Reuters dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội các hiệu thuốc Bulgaria Nikolay Kostov cho hay: "Trong sáu ngày qua, các hiệu thuốc ở Bulgaria bán lượng i-ốt tương đương doanh số cả năm. Một số nơi đã hết sạch i-ốt. Chúng tôi đã đặt thêm nhưng có lẽ cũng sẽ sớm cháy hàng".
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Czech và Ba Lan. Bartlomiej Owczarek, người đồng sáng lập một website hỗ trợ người dùng tìm thuốc ở Ba Lan cho biết, số người quan tâm tới i-ốt đã tăng khoảng 50 lần kể từ hôm 24/2.
Theo người dân địa phương, họ bắt đầu tích trữ i-ốt sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27/2 ra lệnh cho lực lượng răn đe chiến lược, trong đó có các đơn vị trang bị vũ khí hạt nhân, chuyển sang trạng thái báo động cao, sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu.
Trước nhu cầu về iot tăng mạnh, các quan chức châu Âu cảnh báo i-ốt không cần thiết trong tình hình hiện nay cũng như không giúp gì trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. "Mọi người hỏi rất nhiều về loại i-ốt dùng để bảo vệ khỏi bức xạ khi vũ khí hạt nhân được sử dụng. Chúng về cơ bản không giúp ích gì", lãnh đạo cơ quan An toàn hạt nhân Czech Dana Drabova đăng lên Twitter.
Euronews dẫn lời giới chuyên gia nhận định, nhiều khả năng việc báo động lực lượng hạt nhân của ông Putin chỉ là "đòn tâm lý" nhằm gây sức ép với phương Tây.
Được biết, sử dụng i-ốt ở dạng viên hoặc siro, được coi là một cách chống lại các bệnh như ung thư tuyến giáp trong trường hợp tiếp xúc với phóng xạ. Chính quyền Nhật Bản năm 2011 đã khuyến cáo người dân xung quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân Fukushima nên dùng i-ốt sau thảm họa hạt nhân tại đây.