Hy vọng bước tiến lớn về chống biến đổi khí hậu
Diễn ra từ 31/10 - 12/11, tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) được xem là cột mốc quan trọng để thế giới thể hiện sự đoàn kết cùng với những cam kết mạnh mẽ, hiệu quả, thực chất về chống biến đổi khí hậu.
Những tín hiệu lạc quan
Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh COP25 (năm 2019) đã không thể tạo ra được kết quả như kỳ vọng, khi chưa thể giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm nhưng vẫn đạt được một thỏa thuận quan trọng về việc cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide. Còn trên thực tế, khí thải gây nóng lên toàn cầu vẫn tăng nhanh hơn dự kiến, đạt mức kỷ lục trong năm nay bất chấp đợt giảm ngắn ngủi trong năm 2020 vì đại dịch.
Trước thềm khai mạc COP26, Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson kêu gọi thế giới cần hành động ngay lập tức trước khi quá muộn; đồng thời nhấn mạnh rằng, đây là “bước ngoặt của nhân loại”. Đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan về hội nghị lần này. Ngày 2/11, lãnh đạo của hơn 100 quốc gia đã đạt được thỏa thuận ngăn chặn và đảo ngược nạn phá rừng vào năm 2030 trong khuôn khổ COP26. Các nước này đại diện cho hơn 85% rừng toàn cầu. Cam kết được hỗ trợ bởi hơn 19 tỷ USD trong các quỹ công và tư cho kế hoạch được sự ủng hộ từ nhiều nước như Brazil, Trung Quốc, Colombia, Congo, Indonesia, Nga và Mỹ.
Thủ tướng Boris Johnson đã ca ngợi thỏa thuận này trong phát biểu khởi động cuộc họp về rừng và sử dụng đất tại hội nghị COP26. Ông khẳng định thỏa thuận sẽ giúp cộng đồng quốc tế hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C vào năm 2030 so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Đến ngày 3/11, hơn 80 nước, trong đó có Mỹ, liên minh châu Âu đã cam kết cắt giảm 30% lượng khí thải methane vào năm 2030. Đây được xem là một trong những cam kết khí hậu quan trọng nhất cho đến nay tại Hội nghị COP26, hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050.
“Một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm từ nay đến năm 2030 để giữ được nhiệt độ tăng trong 1,5°C là giảm lượng khí thải methane càng sớm càng tốt”, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề cập đến mục tiêu trọng tâm của Thỏa thuận Paris 2015. Ông gọi đây là một “cam kết thay đổi cuộc chơi” bao gồm các quốc gia chịu trách nhiệm cho khoảng một nửa lượng khí methane toàn cầu. Một một tiêu chí khác để đánh giá mức độ thành của COP26 là thích ứng tài chính đối với biến đổi khí hậu. Cụ thể là, việc các quốc gia phát triển thực hiện cam kết huy động 100 tỷ USD/năm, từ 2020-2025, để giúp các nước đang phát triển trong cuộc chiến này. Đây được coi là chủ đề phức tạp, nhạy cảm.
Trên thực tế, các nước phát triển đã không đạt được mục tiêu huy động nguồn tài chính trong năm 2020, thiếu khoảng 20 tỷ USD và cũng rất khó đạt được mục tiêu đã đề ra từ nay đến hết năm 2023. Cam go sẽ còn lớn hơn, khi một số quốc gia đang phát triển tại COP26 yêu cầu khoản đóng góp, hỗ trợ đó sau năm 2030 phải là 1.300 tỉ USD/năm.
Và những đề xuất của giới chuyên gia
Hồi tháng trước, Ủy ban Chuyển đổi Năng lượng đã phát hành một báo cáo, khuyến nghị 6 điểm thảo luận quan trọng cho Hội nghị COP26. Thứ nhất, giảm đáng kể và nhanh chóng lượng khí methane, một loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính nghiêm trọng, mặc dù nó tồn tại tương đối ngắn trong bầu khí quyển. Thứ hai, cần ngăn chặn nạn phá rừng và bắt đầu tái trồng rừng. Thứ ba, khử carbon trong ngành điện và trên hết, đẩy nhanh việc loại bỏ sự phụ thuộc vào than so với kế hoạch hiện nay. Thứ tư, tăng tốc điện khí hóa giao thông đường bộ. Thứ năm, tăng tốc khử carbon trong quá trình sưởi ấm của các tòa nhà và các lĩnh vực “khó giảm nhiệt”, như sản xuất thép, ximăng, hóa chất, hàng không và vận tải biển. Cuối cùng, tăng cường cải thiện hiệu quả năng lượng trên toàn nền kinh tế, đặc biệt là trong các tòa nhà mới, đồng thời cải tạo nâng cấp các tòa nhà cũ.
Báo cáo của Ủy ban Chuyển đổi Năng lượng chỉ ra rằng hầu hết các khuyến nghị này là rất phức tạp. Nhưng chúng hoàn toàn khả thi nếu có sự hỗ trợ phù hợp của chính phủ các quốc gia, thông qua việc công khai ủng hộ, ban hành quy định, nâng cao tính minh bạch, khuyến khích nguồn tài chính cần thiết và sự hỗ trợ hào phóng dành cho các quốc gia đang phát triển.
Lý giải cụ thể cách tiếp cận đầy tham vọng này của Ủy ban Chuyển đổi Năng lượng trong một thập niên tới, chuyên gia Martin Wolf cho rằng một điểm đặc biệt có thể nhận thấy là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cần phải được thực hiện chặt chẽ và chi tiết hơn ngay từ bây giờ. Một điểm nữa là các quốc gia mới nổi quan trọng nhất, như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, cần cam kết ngay lập tức ngừng xây dựng các nhà máy điện chạy bằng nhiên liệu than mới. Liên quan tới khuyến nghị chấm dứt nạn phá rừng và bắt đầu dừng sử dụng than hiện có, đặc biệt là trong sản xuất điện, tác giả nhìn nhận cần phải có một nguồn tài trợ và trợ cấp liên tục, đáng kể, từ các quốc gia có thu nhập cao “chảy” đến các quốc gia đang phát triển, có thể là khoảng 100 tỷ USD/năm.
Đây là điều cần thiết nếu thỏa thuận đạt được. Nó cũng cho thấy vai trò thống trị của các quốc gia có thu nhập cao đối với lượng khí phát thải trong quá khứ và mức phát thải tương đối cao của các quốc gia này tính trên đầu người. Việc tăng đầu tư tài chính vào hệ thống điện xanh ở các quốc gia đang phát triển là điều hết sức cần thiết.
Nguồn vốn tự có và nợ tài chính đang quá đắt đỏ và bị hạn chế. Do đó, một yếu tố quan trọng mà COP26 cần lưu ý là chia sẻ rủi ro giữa khu vực tư nhân và khu vực công toàn cầu. Các ngân hàng phát triển đa phương nên đóng vai trò trung tâm. Theo chuyên gia Adair Turner, đồng Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi Năng lượng, dòng chảy tài chính cần thiết hiện vào khoảng 300 tỷ USD/năm và ước tính tăng lên thành 600 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Đối với khuyến nghị nên coi điện khí hóa là trọng tâm, điện nên được cung cấp theo các cách có thể trung hòa carbon, kể cả bằng năng lượng hạt nhân, nếu không có các giải pháp thay thế tốt hơn. Điểm cuối cùng cần phải lưu ý đó là các hiệp ước quốc tế phải được củng cố, nhằm đẩy nhanh lộ trình đạt mức phát thải ròng bằng 0 trong các lĩnh vực khó giảm, được liệt kê ở trên. “Biện pháp điều chỉnh thuế biên giới carbon” do Liên minh châu Âu (EU) đề xuất là một yếu tố then chốt. Đề xuất này không phải xuất phát từ chủ nghĩa bảo hộ, nó được thiết kế nhằm đảm bảo rằng việc mở rộng thương mại ra khỏi biên giới nội địa của một số nền kinh tế sẽ không dẫn đến việc khuếch tán thêm các công ty gây ô nhiễm trên toàn cầu. Do đó, đề xuất này nên được nhân rộng trên phạm vi toàn cầu.
Những khuyến nghị của Ủy ban Chuyển đổi Năng lượng là hoàn toàn cần thiết và nên được thực hiện ngay để đạt được mục tiêu cắt giảm lượng khí thải nhiều hơn vào năm 2030. Tuy nhiên, nhìn rộng ra hơn, các nhà lãnh đạo tham gia Hội nghị COP26 cần lưu ý tới ba điểm quan trọng nữa. Thứ nhất, cơ chế giá không chỉ là một biện pháp khuyến khích hữu hiệu, mà còn có thể tạo ra doanh thu cần thiết để bù đắp cho những tổn thất của các quốc gia liên quan tới hành động khí hậu. Thứ hai, các nhà hoạch định chính sách nên lưu ý rằng dù có bất kỳ sự điều chỉnh nào thì vẫn phải duy trì được các nguồn năng lượng điện cần thiết cho sinh hoạt và sản xuất. Cuối cùng, các quốc gia phải cùng nhau hành động, không một quốc gia nào có thể tự khắc phục hiệu quả một mình. Tuy nhiên, Trung Quốc, Mỹ, EU, Ấn Độ và Nhật Bản vẫn sẽ cần đóng vai trò trung tâm. Mỗi một quốc gia riêng lẻ phải tiên phong thực hiện lộ trình của mình.
Các nhà phát triển công nghệ đã thực hiện một công việc tuyệt vời trong việc chứng minh rằng thế giới hoàn toàn có thể đi đúng mục tiêu và lộ trình cho hoạt động khử carbon trong nền kinh tế toàn cầu. Giờ đây, các nhà lãnh đạo cần phải cho thấy họ đã nắm rõ điều gì là cần thiết, để tiến tới một mục tiêu tham vọng hơn. Nhanh chóng hành động sẽ là cách tốt nhất để tránh tai họa xảy đến.