Hungary cảnh báo chặn viện trợ EU sang Ukraine
Euronews hôm 23/7 đưa tin, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto mới đây tuyên bố, nước này có khả năng sẽ chặn các khoản tiền mà Liên minh châu Âu (EU) viện trợ Ukraine, trong bối cảnh vấn đề an ninh năng lượng của nước này đang bị Kiev đe dọa.
Theo Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto, việc Ukraine mới đây tuyên bố không cho phép Lukoil - một công ty năng lượng lớn của Nga vận chuyển dầu qua Ukraine bằng đường ống Druzhba, là mối đe dọa cơ bản đối với an ninh năng lượng của Hungary và Slovakia.
Phát biểu tại một cuộc họp của các đại diện EU ở Brussels, Ngoại trưởng Peter Szijjarto nêu rõ: "Chừng nào vấn đề này không được Kiev giải quyết, mọi người nên quên khoản thanh toán 6,5 tỷ euro của quỹ Cơ sở Hòa bình châu Âu dành cho việc chuyển giao vũ khí sang Ukraine". Đặc biệt, ông Peter Szijjarto nhấn mạnh rằng Hungary cùng với Slovakia và Ba Lan đã viện trợ Ukraine vào đầu tháng 7, nhằm cung cấp đủ nguồn điện giúp ổn định hệ thống năng lượng của Kiev.
Trước đó, Ukraine đã cho ngừng dòng chảy dầu qua đường ống Druzhba vào tuần trước, viện dẫn lý do trừng phạt đối với công ty năng lượng khổng lồ Lukoil. Ukraine giải thích, việc đóng băng dòng chảy này là bởi Kiev nhận thấy doanh thu của Lukoil có thể được sử dụng để hỗ trợ quân đội Nga.
Mặc dù vậy, theo giới chuyên gia, động thái từ phía Ukraine là nhằm đáp trả việc Thủ tướng Viktor Orban đã tới Nga để gặp riêng Tổng thống Vladimir Putin, sau khi nước này tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên EU.
Sau khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Ukraine, EU đã cấm nhập khẩu dầu của Nga vào khối bằng đường biển, nhưng vẫn cho phép các quốc gia không giáp biển như Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech tiếp tục mua dầu thông qua đường ống Druzhba từ Nga sang châu Âu cho đến khi họ tìm được giải pháp thay thế.
Tờ Politico dẫn bình luận của Isaac Levy, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch cho hay: "Lý do EU miễn trừ với Hungary là để họ có thời gian giảm sự phụ thuộc vào dầu của Nga thông qua đường ống này. Nhưng khi xem xét dữ liệu từ năm 2021 đến nay, Hungary đã tăng lượng dầu nhập khẩu từ Nga qua đường ống này lên hơn 50%".
Các chuyên gia của Bloomberg nhận định, dù kho dự trữ dầu chiến lược của Budapest có trữ lượng đủ dùng trong 90 ngày, nhưng thật khó để dự đoán cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài bao lâu, bởi thái độ của Ukraine là vô cùng cứng rắn. Trong vài tuần nữa, Hungary có thể phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng mạnh và thiếu điện.
Được biết, động thái của Ukraine cũng gây ra phản ứng dữ dội ở Slovakia, nơi cũng phụ thuộc rất nhiều vào Nga về dầu mỏ.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico phát biểu với báo giới sau cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Denys Shmyhal hôm 23/7: "Slovakia không muốn trở thành con tin của mối quan hệ Ukraine - Nga. Lệnh cấm có nghĩa là nhà máy lọc dầu Slovnaft của Slovakia sẽ nhận được ít hơn 40% lượng dầu so với nhu cầu. Và điều này cũng sẽ làm giảm lượng nhiên liệu xuất khẩu của Slovakia sang Ukraine, chiếm 1/10 lượng tiêu thụ của Kiev".