Hai nước thành viên phản đối hiệp ước di cư khiến EU loay hoay

Thứ Bảy, 07/10/2023, 10:08

Ba Lan và Hungary đã bỏ phiếu chống lại phần cuối cùng của hiệp ước cải cách di cư mà Liên minh châu Âu (EU) đề xuất, trong bối cảnh đây vẫn là vấn đề nhạy cảm về chính trị với lục địa già.

Reuters đưa tin, Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki ngày 6/10 (giờ địa phương) đã bỏ phiếu phản đối một đề xuất được đưa vào tài liệu kết luận của Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) tại Tây Ban Nha liên quan đến tình trạng di cư bất thường của lục địa già. 

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tuyên bố: “Ba Lan cực lực phản đối kế hoạch bố trí những người nhập cư bất hợp pháp đến các quốc gia không muốn chấp nhận họ và áp đặt các hình phạt hà khắc".

“Ba Lan không đồng ý nhờ người khác trang bị nội thất cho ngôi nhà của chúng tôi", ông Morawiecki nói.

Hai nước thành viên phản đối hiệp ước di cư khiến EU loay hoay -0
Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại hội nghị thượng đỉnh hôm 6/10. Ảnh: AP

Ủng hộ quan điểm này, Thủ tướng Hungary Viktor Orban mô tả những quy định mới được EU đề xuất bắt buộc các quốc gia thành viên EU phải tiếp nhận một phần người di cư hoặc phải trả tiền là “hành động cưỡng bức hợp pháp".

Trước đó, Tây Ban Nha đã đề xuất một thỏa thuận về cơ chế chia sẻ người di cư có tên Hiệp ước về di cư và tị nạn mới của EU, dựa trên kết quả đồng thuận mà các nước EU đạt được hôm 4/10 về việc giải quyết tình trạng khủng hoảng và những tình huống bất khả kháng liên quan đến vấn đề người di cư và tị nạn.

Tuy nhiên, việc Hungary và Ba Lan phủ quyết buộc Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel phải đưa ra tuyên bố riêng trong hội nghị về chính sách tị nạn và bảo vệ biên giới, đồng thời lãnh đạo Pháp và Đức cho biết tiến trình lập pháp về vấn đề này sẽ tiếp tục như kế hoạch.

Mặc dù vậy, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen vẫn khẳng định rằng các đề xuất mới về di cư và tị nạn đã nhận được "sự ủng hộ rộng rãi” tại hội nghị. “Có khả năng rất cao chúng tôi sẽ đi đến đích. Về nguyên tắc, cần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc di cư, sau đó sẽ triển khai theo toàn bộ lộ trình di cư", bà chia sẻ. 

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, người chủ trì hội nghị thượng đỉnh ở Granada, cũng nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất là những gì các bộ trưởng của chúng tôi đã đạt được vài tuần trước với thỏa thuận về quy định khủng hoảng di cư, bởi vì đó là điều thực sự phù hợp về mặt chính trị”.

Reuters nhận định, ngay cả khi Ba Lan và Hungary không thể ngăn chặn hiệp ước di cư mới của EU và sự phản đối của họ phần lớn chỉ mang tính biểu tượng, những lời chỉ trích gay gắt của hai nhà lãnh đạo này vẫn đặt ra câu hỏi về việc EU có thể thực hiện thỏa thuận một cách hiệu quả hay không.

An Nhiên
.
.
.