Châu Âu lại "nóng" vấn đề người di cư

Thứ Sáu, 29/09/2023, 08:25

Làn sóng người di cư từ châu Phi-Trung Đông đổ về châu Âu ngày một tăng khiến các quốc gia quyết định ban bố loạt biện pháp kiểm soát biên giới, dấy lên cuộc tranh cãi giữa các thành viên Liên minh châu Âu (EU) về tính đoàn kết.

Trong động thái được mô tả là nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp, nhà chức trách Đức đã ban bố một loạt biện pháp kiểm soát dọc biên giới với Ba Lan và Cộng hòa Czech, bao gồm tăng cường cảnh sát tuần tra các khu vực thường xuyên ghi nhận vượt biên, Euronews ngày 28/9 đưa tin. Nỗ lực thắt chặt kiểm soát biên giới được đưa ra khi tranh cãi nổ ra giữa Berlin và Warsaw xung quanh bê bối liên quan đến tình trạng hối lộ thị thực của người di cư ở Ba Lan.

Châu Âu lại
Một chiếc thuyền chở đầy người di cư vượt Địa Trung Hải lật nghiêng khi tiếp cận bờ biển EU.
Ảnh: AP

Cuối tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thúc giục Ba Lan làm sáng tỏ các cáo buộc. "Tôi không muốn Ba Lan cứ đơn giản là "vẫy tay chào" người di cư rồi sau đó lại thảo luận về chính sách tị nạn của chúng tôi", ông Scholz nói. Đáp lại tuyên bố của ông Scholz, Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau chỉ trích đó "nỗ lực can thiệp công việc nội bộ của Ba Lan" và hối thúc nhà lãnh đạo Đức "kiềm chế các phát ngôn làm tổn hại quan hệ song phương". Chính phủ Đức sau đó ra một phát ngôn khác nhấn mạnh họ sẽ tiếp tục "gây áp lực".

Đức nằm ở trung tâm Liên minh châu Âu (EU) và phụ thuộc vào các quốc gia láng giềng trong việc ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2023, Đức ghi nhận hơn 204.000 đơn xin tị nạn, tăng 77% so với cùng kỳ năm 2022, bên cạnh hơn một triệu người tị nạn Ukraine khác đã đến Đức sau khi xung đột nổ ra hồi năm ngoái. Số liệu của cảnh sát Đức cho thấy 70.000 người đã nhập cảnh trái phép vào Đức, tăng gần 60% so với cách đây một năm. Berlin cho rằng, một phần nguyên nhân là do các nước chưa hành động đủ mạnh mẽ để ngăn nạn buôn người.

Trước động thái mới nhất, Đức chỉ áp dụng các biện pháp kiểm soát cố định tại biên giới với Áo do tác động của cuộc khủng hoảng di cư nổ ra giai đoạn 2015-2016. Bộ Nội vụ Đức khẳng định họ sẽ kiểm soát biên giới với sự hợp tác của Ba Lan và Cộng hòa Czech, bên cạnh các biện pháp khác nhằm kiềm chế tội phạm buôn người. Tuy nhiên, bất đồng giữa Warsaw và Berlin được dự báo là có thể khiến hợp tác không suôn sẻ. Theo giới chuyên gia, hầu hết người di cư trái phép tỏa ra châu Âu từ khu vực phía Nam tiếp giáp biển, trên các tuyến đường bị những kẻ tội phạm buôn người lợi dụng. Cuộc khủng hoảng kinh tế cùng làn sóng bất ổn chính trị lan rộng ở châu Phi khiến số lượng người dân tìm cách di cư sang các nước EU tăng nhanh, với Italia, quốc gia sở hữu một số đảo trên Địa Trung Hải, là một trong những điểm đến ưa tích.

Số liệu công bố tuần trước của nhà chức trách Italia xác nhận, hơn 126.000 người di cư đã tiến vào biên giới nước này tính từ đầu năm 2023, gấp đôi con số được ghi nhận cùng kỳ năm 2022. Hòn đảo Lampedusa của Italia trên Địa Trung Hải gần đây tiếp nhận hàng trăm con thuyền chật ních người di cư từ châu Phi, bao gồm 7.000 người trên 122 thuyền chỉ trong tuần gần nhất, nhiều hơn dân số thường trú trên đảo.

Không muốn trở thành "trại tị nạn của châu Âu", Italia yêu cầu các nước EU chia sẻ gánh nặng. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) von der Layen thừa nhận: "Di cư bất thường là một thách thức của châu Âu và nó cần một câu trả lời chung". Bà kêu gọi các thành viên EU "tự nguyện" tiếp nhận người di cư giúp Italia. Thế nhưng các nước vẫn chưa thể thống nhất về hạn ngạch và cách thức điều tiết dòng người di cư.

Theo tờ Telegraph, tranh cãi giữa các quốc gia thậm chí đẩy Hiệp ước Schengen về tự do đi lại vào "nguy hiểm" khi Áo mới đây tuyên bố họ sẽ áp dụng trở lại các biện pháp kiểm soát biên giới với Italia, bất chấp thực tế là cả hai đều là thành viên Schengen. Từ Paris, nhà chức trách Pháp cũng quyết định tăng cường kiểm soát biên giới với Italia bằng cả lực lượng mặt đất lẫn máy bay không người lái do lo sợ người di cư tràn qua biên giới. Có một nghịch lý là, trong khi EU tìm được đồng thuận trong hầu hết các vấn đề quốc tế nóng bỏng, họ đến nay chưa thể đạt một thỏa thuận lâu dài và hiệu quả về vấn đề người di cư. T

rên tờ Guardian, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cảnh báo vấn đề di cư có thể trở thành yếu tố "làm tan rã EU" nếu bất đồng không sớm được giải quyết. Ông Borrell chỉ ra rằng, trong khi một số nước kiên quyết "không chấp nhận bất cứ ai từ bên ngoài" thì lại có những quốc gia sẵn sàng tiếp nhận người di cư.

"Châu Âu cần người di cư vì chúng ta có tốc độ tăng trưởng dân số quá thấp. Nhìn từ quan điểm lao động, nếu chúng ta muốn tồn tại, chúng ta cần người di cư", ông Borrel đánh giá. Nhà ngoại giao hàng đầu EU cũng nhận định, để giải quyết tình trạng di cư trái phép, các nước thành viên EU cần đóng vai trò lớn hơn trong nỗ lực trợ giúp các nước châu Phi và Trung Đông phát triển kinh tế-xã hội ổn định, khôi phục niềm tin vào tương lai tươi sáng ở quê nhà. "Di cư ở châu Phi không phải do cuộc chiến Ukraine tạo ra. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng di cư ở châu Phi là do thiếu sự phát triển, thiếu tăng trưởng kinh tế và quản lý kém", ông khẳng định.

Thái Hà
.
.
.