EU phân bổ lại viện trợ quân sự cho Ukraine bằng Quỹ hòa bình châu Âu

Thứ Hai, 07/10/2024, 06:39

Euronews hôm 6/10 đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch phân bổ lại hạn ngạch lãi suất từ các tài sản bị phong tỏa của Nga vào Quỹ hòa bình châu Âu (EPF), nhằm tránh sự phủ quyết liên tục của Hungary với các gói viện trợ từ quỹ này.

Tuần tới, đại sứ của các nước thành viên EU sẽ công bố một thỏa thuận chính trị về các quy tắc cung cấp viện trợ Ukraine đối với số tiền 50 tỷ euro thu được từ lãi suất của các tài sản bị phong tỏa của Nga.

Bước đi này của EU được cho là nhằm tránh việc Hungary phủ quyết đối với các gói viện trợ nêu trên. Hungary là quốc gia thuộc EU thường xuyên công khai chỉ trích EPF và việc sử dụng quỹ này để hỗ trợ Kiev. Budapest cho rằng, việc này không thể giúp giải quyết xung đột Nga - Ukraine, thậm chí còn làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. 

EU ngừng viện trợ quân sự Ukraine bằng Quỹ hòa bình châu Âu? -0
EU phân bổ lại tỷ lệ lãi suất từ các tài sản phong tỏa của Nga nhằm tránh phủ quyết của Hungary. Ảnh: Reuters

EPF là một công cụ tài chính nằm ngoài ngân sách EU hoạt động từ tháng 7/2021 với mục đích tài trợ các hoạt động có ý nghĩa quân sự như cung cấp thiết bị và đào tạo quân đội của các nước đối tác EU, cũng như chi phí chung cho các nhiệm vụ và hoạt động quân sự của EU ở nước ngoài. Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, EPF được cho là đã tiêu khoảng 6,1 tỷ euro cho chiến sự tại Ukraine trong năm 2022 mà đáng lẽ được sử dụng cho tới năm 2027.

Năm 2023, EPF bắt đầu cạn kiệt nguồn lực khi không vận động được nguồn cung bổ sung do các nước thành viên EU chủ trương hỗ trợ song phương cho Ukraine hơn là quyên góp tập thể. Vì vậy, khối đã ra nghị quyết về việc chuyển 90% khoản lãi từ các tài sản bị phong tỏa của Nga vào EPF để mua vũ khí cho Kiev. Và 10% còn lại sẽ được chuyển đến Quỹ Hạ tầng Ukraine để giúp Kiev tái thiết.

Theo một nguồn thạo tin, kế hoạch mới của EU vạch rõ rằng phần lớn lợi nhuận sẽ được phân bổ cho các chương trình của Ukraine được tài trợ từ ngân sách EU, nhưng chỉ 5% lợi nhuận sẽ được chuyển vào EPF, vốn được sử dụng để viện trợ quân sự.

Phía Hungary trước đó nêu rõ, nước này phủ quyết mọi hoạt động viện trợ sang Ukraine là nhằm trả đũa việc Kiev xếp ngân hàng OTP của Hungary vào danh sách các tổ chức tài trợ quốc tế cho chiến tranh.

Ngoài ra, theo Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjártó, Budapest sẽ chỉ xem xét vấn đề này cho đến khi Kiev giải quyết lệnh cấm vận chuyển dầu của Nga sang Hungary và Slovakia qua đường ống Druzhba. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ATV, ông Szijjártó tuyên bố: "Hungary sẽ không đồng ý việc EU chi 6,5 tỷ euro viện trợ Ukraine trong khi nước này đe dọa an ninh nguồn cung năng lượng của chúng tôi".

Giới phân tích nhận định, sự phản đối của Hungary đã khiến cơ chế của EU bị tê liệt trong nhiều tháng, dẫn tới việc các quan chức của khối phải lên kế hoạch phân bổ lại hạn ngạch lãi suất từ các tài sản bị phong tỏa của Nga đối với Ukraine. 

Mâu thuẫn giữa EU và quốc gia thành viên là Hungary về vấn đề Ukraine càng trở nên nghiêm trọng khi hồi tháng 7, Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell thông báo EU sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo của các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên tại Brussels (Bỉ) thay vì tại Thủ đô Budapest (Hungary), nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU (EC).

Sở dĩ, EC kêu gọi tẩy chay nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Hungary kéo dài trong 6 tháng cuối năm 2024, là để trừng phạt việc Thủ tướng Viktor Orban tự quyết định đến Nga đàm phán về vấn đề Ukraine, đi ngược với chủ trương EU. 

Được biết, thông qua một loạt chuyến thăm của Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngay sau khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch luân phiên EC, Budapest đã thể hiện mong muốn trở thành một sứ giả hoà bình cho xung đột Ukraine.

Kim Khánh
.
.
.