Đức cấm dầu Nga, nhưng vẫn phải mua dầu qua tuyến ống Nga vận hành
Đức mua dầu mỏ từ Kazakhstan để bù đắp phần nguồn cung thiếu hụt do căng thẳng với Nga. Tuy nhiên, số dầu này vẫn được vận chuyển đến Đức trên tuyến đường ống do Nga vận hành.
RiaNovosti hôm nay (13/1) dẫn thông báo của KazTransOil, công ty phụ trách dịch vụ vận chuyển dầu mỏ nhà nước Kazakhstan, cho biết, họ đã được giới chức Nga cấp phép vận chuyển 300 ngàn tấn dầu mỏ sang Đức qua lãnh thổ Nga trên tuyến ống dẫn do tập đoàn nhà nước Nga Transneft vận hành trong quý I/2023.
Bộ trưởng Năng lượng Kazakhstan Bolat Akchulakov thông tin, nước này có kế hoạch xuất khẩu 1,5 triệu tấn dầu sang Đức vào năm 2023 và có thể tăng khối lượng lên 7 triệu tấn, ở thời điểm nền kinh tế lớn nhất châu Âu bắt đầu hạn chế nhập khẩu dầu mỏ Nga từ tháng 12 năm ngoái.
Theo Sputnik, KazTransOil đã đề nghị Moscow cho phép bơm 1,2 triệu tấn dầu từ nước này sang Đức trong năm 2023, tương đương 300 ngàn tấn mỗi quý, qua lãnh thổ Nga trên đường ống Druzhba của Transneft, theo các điều khoản của thỏa thuận song phương về năng lượng được Nga-Kazakhstan kí kết năm 2002.
Đường ống dẫn dầu Druzhba chạy từ Nga sang Belarus, rồi chia tách thành hai nhánh, một nhánh đi sang lãnh thổ Ba Lan và Đức; nhánh còn lại chạy vào Ukraine, chủ yếu để cung cấp cho các quốc gia Đông và Trung Âu là Hungary, Slovakia, Cộng hòa Czech.
Trước khi chiến sự Ukraine nổ ra, Đức có hai nhà máy lọc dầu ở phía Đông đất nước phụ thuộc vào dầu thô Urals của Nga thông qua mạng lưới đường ống Druzbha là nhà máy Leuna của TotalEnergies và PCK Schwedt, nhà máy thuộc tập đoàn Rosneft (Đức giành kiểm soát PCK Schwedt hồi tháng 9/2022).
Do sự khác biệt về đặc tính dầu mỏ, nhiều chuyên gia lo ngại nhà máy Leuna và PCK Schwedt không thể vận hành đầy đủ khi thiếu nguồn cung từ Nga. Tuy nhiên, giới chức Đức sau đó đã trấn an rằng cả hai nhà máy đều có thể hoạt động bình thường.
Chưa rõ việc vận chuyển dầu từ Kazakhstan sang Đức qua tuyến đường ống Druzhba có phù hợp với lệnh cấm dầu Nga mà Berlin ban bố hay không; và việc liệu Đức sẽ phân biệt dầu Kazakhstan bằng cách nào, bởi Moscow vẫn đang bơm dầu của họ sang Trung Âu trên tuyến Druzhba.
Cách đây hai tuần, Bloomberg dẫn lời phát ngôn viên Bộ Kinh tế Đức thừa nhận, "do đặc tính của dầu thô, việc dầu thô bị trộn trong quá trình vận chuyển trên đường ống và trên tàu chở dầu là không thể tránh khỏi và cũng được phép theo các lệnh trừng phạt của EU".
Tuy nhiên, phát ngôn viên này khẳng định, việc trộn lẫn đó "không được làm gia tăng sản lượng hoặc danh số bán dầu thô của Nga; hoặc taọ ra các lợi ích khác cho doanh nghiệp Nga, ngoại trừ chi phí vận chuyển".
Nga và Kazakhstan có quan hệ rất gần gũi cả về kinh tế lẫn chính trị. Kazakhstan còn là một thành viên Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Moscow dẫn đầu.