Đức "bật đèn xanh" cho Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga

Thứ Sáu, 31/05/2024, 19:16

Đức ngày 31/5 tuyên bố “bật đèn xanh” cho Ukraine tấn công một số mục tiêu trên đất Nga bằng vũ khí tầm xa mà họ đang cung cấp, một sự thay đổi chính sách quan trọng diễn ra khi quân đội Ukraine đang mất dần vị thế trong cuộc chiến.

Đức
Các binh sĩ Ukraine nghiên cứu bệ phóng tên lửa đa nòng BM-21 "Grad". Ảnh Reuters. 

Các quan chức Ukraine đã bày tỏ sự thất vọng trước những hạn chế sử dụng vũ khí của phương Tây, đặc biệt là khi khu vực biên giới Kharkiv phải hứng chịu cuộc tấn công dữ dội của Nga trong tháng này, tạo ra áp lực lớn với lực lượng của Ukraine vốn đang thiếu cả vũ khí lẫn quân số.

Chính phủ Đức cho biết Ukraine có thể sử dụng vũ khí mà nước này cung cấp để tấn công các vị trí ngay bên kia biên giới, nơi Nga tiến hành các cuộc tấn công vào Kharkiv.

Động thái của Đức, được đưa ra không lâu sau quyết định từ Mỹ, đã bật đèn xanh cho Ukraine sử dụng vũ khí đặc biệt để bảo vệ Kharkiv, thủ phủ của tỉnh cùng tên chỉ nằm cách biên giới với Nga khoảng 20 km. Các tờ báo phương tây đưa tin, tên lửa đạn đạo của Nga đã tấn công một tòa nhà chung cư tại thành phố này trong đêm 30/5, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng.

Ngoài việc mang đến cho Ukraine một cơ hội bảo vệ Kharkiv tốt hơn, vẫn chưa rõ việc nới lỏng các hạn chế có thể có tác động gì đến chiều hướng của cuộc xung đột trong giai đoạn quan trọng này. 

Thông báo của Đức đã gây ra phản ứng dữ dội từ Moscow, khi Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh rằng “Ukraine và các đồng minh NATO sẽ nhận được phản ứng tàn khốc đến mức liên minh sẽ không thể tránh khỏi việc tham gia vào cuộc xung đột”, một tình huống mà các chính phủ phương Tây từ đầu cuộc chiến đã tránh.

Các nhà lãnh đạo phương Tây từng do dự trong việc nới lỏng các hạn chế cho phép Ukraine dùng vũ khí của họ viện trợ tấn công Nga, vì nguy cơ sẽ kích động Moscow, khi lãnh đạo Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng sự tham gia trực tiếp của phương Tây có thể đưa thế giới vào con đường xung đột hạt nhân.

Nga gần đây đã giành được thế chủ động trên chiến trường ở một số khu vực của chiến tuyến dài 1.000 km, một số nhà lãnh đạo phương Tây đã thúc đẩy thay đổi chính sách cho phép Kiev tấn công các căn cứ quân sự bên trong Nga. Quân đội mạnh hơn và được trang bị tốt hơn của Nga đang tận dụng tình trạng thiếu quân và đạn dược của Ukraine.

Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg ngày 31/5 bày tỏ ủng hộ việc dỡ bỏ các giới hạn đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây, nói rằng đó là “vấn đề tôn trọng luật pháp quốc tế - quyền tự vệ của Ukraine”.

Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom lưu ý rằng nước này không hề hạn chế việc Ukraine sử dụng vũ khí, trong khi Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết Rome sẽ không cho phép Kiev sử dụng vũ khí của Italy bên ngoài lãnh thổ của Ukraine.

Tiến Anh
.
.
.