Điểm đặc biệt trong hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện Nga - Triều Tiên

Thứ Hai, 11/11/2024, 06:32

Theo tài liệu được công bố trên website chính phủ Nga hôm 9/11, Tổng thống Vladimir Putin đã ký phê chuẩn Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Liên bang Nga và Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên. Đây là bước cuối cùng trong quy trình phê chuẩn văn kiện này tại Nga, sau khi Hạ viện và Thượng viên bỏ phiếu thông qua hiệp ước lần lượt hôm 24/10 và 6/11.

Điểm đặc biệt trong hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện Nga - Triều Tiên -0
Tổng thống Nga Putin bắt tay Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm Bình Nhưỡng hồi tháng 6. Ảnh: Reuters

"Phê duyệt Hiệp ước đối tác toàn diện giữa Liên bang Nga và CHDCND Triều Tiên, được ký tại Bình Nhưỡng vào ngày 19/6/2024", văn bản do Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hôm 9/11 nêu rõ. Theo đó, hiệp ước này sẽ thay thế Hiệp định về Hữu nghị, láng giềng tốt đẹp và hợp tác giữa hai nước được ký từ năm 2000.

Đáng chú ý, Điều 4 của tài liệu nêu rằng, nếu một trong các bên bị một hoặc nhiều quốc gia tấn công vũ trang và thấy mình đang trong tình trạng chiến tranh, bên kia sẽ lập tức cung cấp hỗ trợ quân sự và những giúp đỡ khác bằng mọi phương tiện mà mình hiện có, tương ứng với Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc và phù hợp với luật pháp hai nước.

Theo Điều 8, các bên sẽ tạo lập cơ chế về tiến hành hoạt động chung nhằm mục tiêu tăng cường năng lực quốc phòng, không nhằm mục đích chống lại nước thứ ba, không đe dọa hòa bình và ổn định". Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí hợp tác trên lĩnh vực an ninh năng lượng và lương thực, công nghệ thông tin, truyền thông, chăm sóc sức khỏe. Hợp tác song phương về thương mại, kinh tế, đầu tư, khoa học và công nghệ được mở rộng.

Hồi tháng 6, khi phát biểu tại cuộc họp báo ở Thủ đô Bình Nhưỡng nhân chuyến thăm CHDCND Triều Tiên, Tổng thống Putin gọi đây thực sự là một văn kiện mang tính đột phá.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrei Rudenko, hiệp ước được ký kết trong bối cảnh thay đổi cơ bản tình hình địa chính trị trong khu vực, gia tăng căng thẳng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xuất hiện các liên minh quân sự, xuất hiện các hệ thống tên lửa của nước ngoài trong khu vực đe dọa an ninh của Nga.

Vì vậy, hiệp ước đóng vai trò ổn định ở Đông Bắc Á, đóng góp tích cực vào cân bằng lực lượng trong khu vực trên cơ sở an ninh không chia cắt, giảm nguy cơ tái diễn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, trong đó có thể có sử dụng vũ khí hạt nhân, đặt cơ sở xây dựng hê thống an ninh Á - Âu mới. Ông nhấn mạnh rằng hiệp ước không nhằm chống lại an ninh của các bên thứ ba và chỉ mang tính chất phòng thủ.     

Trước đó, Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Georghi Zinoviev nêu rõ, Nga vẫn theo đuổi chính sách giải quyết ngoại giao tình hình trên bán đảo Triều Tiên trên cơ sở an ninh không chia cắt và sẵn sàng đóng vai trò xây dựng trong vấn đề này.

Kim Ngọc
.
.
.