Đàm phán với Mỹ thất bại, Nga không loại trừ đưa vũ khí đến Cuba
Đại diện phái đoàn Nga cho biết các cuộc đàm phán với Mỹ và NATO đang đi vào ngõ cụt và không loại trừ khả năng triển khai quân sự tại Cuba và Venezuela.
Kết thúc các cuộc đàm phán với Mỹ và khối quân sự NATO mà không đạt tiến triển tích cực nào, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 13/1 cho biết, Moscow "không còn thấy lí do để tiếp tục các cuộc đàm phán này trong tương lai hay để lại tiếp tục gặp nhau và khởi đầu các cuộc thảo luận tương tự", Guardian đưa tin.
"Chúng tôi đề xuất đi từng bước qua từng câu chữ, nỗ lực để văn bản này có thể sẵn sàng được ký kết. Nhiệm vụ đó là bất khả thi trong hôm nay do Mỹ và các đồng minh dứt khoát ‘nói không’ với các điều khoản quan trọng", ông Ryabkov tuyên bố.
Đáng chú ý, ông Ryabkov, cũng là người dẫn đầu phái đoàn Moscow trong cuộc hội đàm với Mỹ, nhấn mạnh ông không loại trừ khả năng điều động "cơ sở hạ tầng quân sự" tới Venezuela hoặc Cuba nếu căng thẳng với Washington tiếp tục gia tăng.
"Tôi không muốn xác nhận bất cứ điều gì, tôi cũng sẽ không loại trừ bất cứ điều gì…. Mọi thứ phụ thuộc vào hành động của các đồng nghiệp Mỹ", ông Ryabkov nói.
Cuba và Venezuela có quan hệ gần gũi với Nga. Liên Xô và Mỹ từng đứng trước bờ vực một cuộc chiến tranh trực diện vào năm 1962, khi Moscow tính đưa tên lửa hạt nhân đến Cuba để trả đũa việc Washington triển khai loạt vũ khí huỷ diệt đến châu Âu.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây gần đây leo thang trong bối cảnh khối quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu tỏ ý sẵn sàng cân nhắc kết nạp Ukraine, tiếp tục phá vỡ lời hứa không mở rộng về phía Đông mà khối này đưa ra với Nga sau khi Liên Xô sụp đổ.
Tháng trước, Nga đã công bố một loạt đề xuất an ninh với phương Tây, trong đó nội dung chính là yêu cầu khối quân sự này cam kết bằng văn bản về việc dừng bành trướng về phía Đông, nhưng không được NATO đáp ứng.
Ở chiều ngược lại, Mỹ và NATO loan báo rằng Nga đã điều khoảng 70.000-100.000 quân tới sát biên giới với Ukraine và bày tỏ lo ngại Moscow động binh với Kiev. Nga bác bỏ cáo buộc, khẳng định không có ý định tấn công Ukraine và mọi hoạt động quân sự ở biên giới chỉ nhằm mục đích huấn luyện, phòng thủ.
Theo truyền thông khu vực, hôm 13/1, ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, xác nhận nỗ lực đàm phán của các bên dường như chưa có tiến triển. Quan chức Mỹ lo ngại nguy cơ nổ ra xung đột giữa Moscow và Ukraine. "Chúng tôi đang liên lạc với người Nga và sẽ theo dõi tình hình", ông Sullivan nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cam kết với người đồng cấp Ukraine Oleksii Reznikov về việc duy trì "hỗ trợ phòng thủ" để giúp Ukraine củng cố năng lực các lực lượng vũ trang.