Cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ kết thúc trên bàn đàm phán?
Tất các cả bên tham gia chủ chốt đều đồng tình với luận điểm này. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên: "Chúng tôi sẵn sàng đàm phán", trong khi người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đáp lại: "Mỹ và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói nhiều lần rằng, chúng tôi tin cuộc chiến này sẽ kết thúc thông qua đàm phán". Tuy vậy, hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các bên tham chiến sẽ sớm ngồi vào bàn đàm phán.
Đã đến lúc xây dựng những kênh đối thoại
Hai bên đều tin rằng, việc đạt được thỏa thuận chấp nhận được là điều không thể; mỗi bên đều lo sợ bên còn lại sẽ không thỏa hiệp hoặc sẽ sử dụng bất kỳ khoảng thời gian tạm dừng nào để nghỉ ngơi và tái trang bị cho vòng giao tranh tiếp theo. Ngay cả khi không thể đạt được thỏa thuận, vào lúc này, tất cả các bên cũng nên thực hiện các biện pháp để mang lại khả năng đàm phán trong tương lai.
Giữa một cuộc chiến, khó mà biết liệu đối thủ có thực sự sẵn sàng chấm dứt chiến tranh hay không, hay chỉ vờ đàm phán hòa bình để đẩy mạnh mục tiêu chiến tranh. Việc nhận biết ý định của đối thủ gần như không khả thi nếu không có đối thoại. Vì vậy, cần mở các kênh đối thoại để tranh thủ theo đuổi hòa bình khi cơ hội đến. Đã đến lúc xây dựng những kênh đối thoại này. Đối với Ukraine và các đối tác phương Tây, điều này có nghĩa là bàn về đàm phán hoặc biến ngoại giao xung đột (giải quyết xung đột bằng ngoại giao - PV) thành chủ đề chính trong các tương tác song phương và đa phương. Tất cả các bên cần phát các tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng đàm phán. Điều này sẽ đòi hỏi các bên tham chiến và đồng minh của họ phải thực hiện các bước đơn phương nhằm truyền đạt ý định của mình đến bên còn lại. Những tín hiệu như vậy có thể bao gồm sự thay đổi trong diễn ngôn cũng như bổ nhiệm các đặc phái viên phụ trách đàm phán, hạn chế tấn công sâu rộng và trao đổi tù binh chiến tranh. Nếu không bên nào khởi động quá trình này, các bên tham chiến có thể sẽ vẫn bị mắc kẹt như hiện nay - chiến đấu quyết liệt trên từng tấc đất lãnh thổ, với cái giá khủng khiếp phải trả là sinh mạng con người và sự ổn định khu vực trong nhiều năm tới.
Sự thiếu tin tưởng lẫn nhau khiến việc thực hiện bước đầu tiên hướng đến đàm phán trở nên khó khăn. Tuy nhiên, sự ngờ vực lẫn nhau giữa các bên tham chiến là đặc điểm của mọi cuộc chiến, và do đó là đặc điểm của mọi cuộc đàm phán nhằm chấm dứt những cuộc chiến đó. Nếu sự tin tưởng là điều kiện tiên quyết để đối thoại, thì các bên tham chiến sẽ không bao giờ bắt đầu đối thoại. Các bên có thể và nên bắt đầu đối thoại bất chấp sự ngờ vực lẫn nhau. Thế nhưng, trong trường hợp này, những giả định phổ biến về ý đồ tối đa hóa lợi ích khiến sự ngờ vực càng sâu sắc. Có thể mỗi bên đều đúng về mục đích tối đa hóa lợi ích của bên còn lại. Tuy nhiên, không bên nào có thể chắc chắn về điều này nếu không đối thoại. Trong trường hợp không có kênh đối thoại, bất kỳ giả định nào về ý đồ thực sự của đối phương đều chỉ là giả định chưa được kiểm chứng. Việc không kiểm chứng giả định sẽ dẫn đến cái giá phải trả rất lớn. Cuộc chiến tiêu hao khiến rất nhiều binh sĩ và dân thường thiệt mạng, đồng thời làm tiêu hao các nguồn lực quân sự và tài chính. Tháng 8/2023, các quan chức Mỹ ước tính gần 500.000 quân Ukraine và Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ tháng 2/2022. Chiến tranh cũng đang phá vỡ an ninh quốc tế theo những cách không có lợi cho bên nào.
Những bước đầu tiên
Đối với các đồng minh của Kiev, ván cờ khai cuộc là bắt đầu nói về việc đàm phán giữa họ. Một số đồng minh cần được thuyết phục, một số khác đã bị thuyết phục và chỉ cần một dấu hiệu cho thấy ngoại giao không còn là điều cấm kỵ. Các quan chức Mỹ nhiều lần bày tỏ hy vọng rằng, cuộc chiến sẽ kết thúc bằng một giải pháp đạt được từ thương lượng. Thế nhưng, họ chưa chia sẻ với đồng minh ý nghĩa thực tiễn của điều này, cũng chưa định hướng rõ ràng chiến lược để kết thúc cuộc chiến với một kết quả đạt được thông qua thương lượng. Cuối cùng, cần bắt đầu thảo luận về ngoại giao xung đột trong các cuộc họp của NATO và G7, cũng như trong các cuộc gặp song phương giữa các đồng minh ở cấp cao nhất. Việc bàn về đối thoại không tạo ra bất kỳ thay đổi nào về chính sách trong ngắn hạn. Cần dành thời gian và nỗ lực để phát triển một chiến lược ngoại giao từ rất lâu trước khi các cuộc đàm phán thực sự bắt đầu. Song song với cuộc thảo luận trong nội bộ liên minh, vấn đề này cần được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp giữa các đồng minh và Ukraine. Một khi các quan chức Ukraine bắt đầu nghe được những câu hỏi tương tự từ nhiều bên đối thoại ở nhiều cấp độ khác nhau, họ sẽ tham gia các cuộc thảo luận nội bộ để xác định các ưu tiên và cách tiếp cận ngoại giao xung đột của mình. Việc đưa chủ đề đàm phán vào các cuộc thảo luận về hỗ trợ tài chính và quân sự dài hạn cũng sẽ nhấn mạnh thực tế quan trọng rằng, không có khoản viện trợ nào có thể đảm bảo an ninh và thịnh vượng cho Ukraine nếu chiến tranh không kết thúc.
Kiev sẽ phải là bên dẫn dắt khi các cuộc đàm phán bắt đầu. Nhưng hiện nay phương Tây vẫn có thể ra tín hiệu truyền đạt ý định của mình nhằm đạt được giải pháp cuối cùng thông qua đàm phán để kết thúc cuộc chiến. Tín hiệu là hành động đơn phương, chẳng hạn như triển khai quân sự, tuyên bố công khai, trừng phạt hoặc thông qua động thái ngoại giao để truyền đạt ý đồ của một quốc gia. Những tín hiệu như vậy đặc biệt hữu ích khi các kênh đối thoại chính thức bị đóng, bởi chúng không yêu cầu sự tương tác trực tiếp với đối phương. Đáng chú ý, những hành động này có thể đảo ngược; mục đích là để thể hiện ý định một cách đáng tin cậy và tạo cơ hội để đối phương hồi đáp lại. Các tín hiệu được gửi có thể làm giảm tình trạng không chắc chắn về ý định thực sự của đối phương. Sự thay đổi điểm nhấn của quan chức phương Tây trong các tuyên bố công khai sẽ là tín hiệu khiêm tốn nhưng quan trọng. Ví dụ, các quan chức có thể nhắc lại việc họ sẵn sàng giảm nhẹ có điều kiện các biện pháp trừng phạt như một phần của kết quả cuộc chiến đạt được thông qua thương lượng. Thế nhưng, chỉ nói thôi là chưa đủ, và Nga có thể sẽ không tin. Vì vậy, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng nên cân nhắc việc bổ nhiệm các đại diện đặc biệt phụ trách ngoại giao xung đột. Mặc dù những quan chức này sẽ dành nhiều tháng trao đổi với các đồng minh và Kiev trước khi xem xét đàm phán với Moscow nhưng bản thân việc bổ nhiệm đó cũng sẽ báo hiệu cho Nga rằng, Mỹ và châu Âu sẵn sàng đàm phán.
Nga và Ukraine có nhiều cơ hội phát tín hiệu hơn bởi họ là bên tham chiến. Đặc biệt, Moscow cần tìm cách phát tín hiệu: Nga nên chỉ ra rằng, mục tiêu chiến tranh của họ có giới hạn, họ sẵn sàng đàm phán để chấm dứt chiến tranh và sẽ tuân thủ các điều khoản thỏa thuận. Ngoài việc bổ nhiệm quan chức ngoại giao làm việc với các đại diện mới của Mỹ và EU, Moscow có thể ngừng tấn công các thành phố của Ukraine, thể hiện thái độ sẵn sàng trao đổi tù binh chiến tranh và ngừng đưa ra những lời lẽ kích động về giới lãnh đạo Ukraine. Về phần mình, Ukraine có thể nới lỏng sắc lệnh Tổng thống được ban hành hồi tháng 9/2022 trong đó khẳng định không đàm phán với Tổng thống Vladimir Putin. Kiev có thể làm rõ rằng, sắc lệnh này chỉ áp dụng với Tổng thống Nga chứ không áp dụng với các đại diện khác của Chính phủ Nga. Và nếu Nga ngừng tấn công các mục tiêu phi quân sự ở Ukraine, Kiev có thể đáp lại bằng việc dừng các cuộc tấn công mà họ đang thực hiện ở Nga.
Những nỗ lực được đề xuất, bàn về đàm phán với các đồng minh và Kiev, cũng như gửi tín hiệu tới Moscow, không phải là sự thay đổi về chính sách. Chúng thậm chí không phải là động thái để bắt đầu đàm phán. Đúng hơn, chúng chỉ bắt đầu một quá trình có thể kéo dài hướng tới các cuộc đàm phán cuối cùng. Sẽ không dễ đi đến bàn đàm phán, nhưng giải pháp thay thế sẽ là một cuộc chiến khốc liệt không có hồi kết mà hai bên đều không mong muốn và đều thua cuộc nếu tiếp tục.