Chuyến công du nhiều kỳ vọng của Tổng thống Mỹ đến Trung Đông

Thứ Năm, 14/07/2022, 06:30

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 13/7 bắt đầu chuyến công du tới Trung Đông, với điểm đến đầu tiên là Israel, trong nỗ lực thuyết phục các đồng minh vùng Vịnh tăng sản lượng dầu nhằm kiểm soát giá nhiên liệu tăng cao và trung gian thúc đẩy cải thiện mối quan hệ Israel - Saudi Arabia.

Theo lịch trình được Nhà Trắng công bố, trong 2 ngày làm việc tại Israel, Tổng thống Biden sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng tạm quyền Yair Lapid cùng các lãnh đạo nước này, thảo luận về hợp tác song phương và các vấn đề khu vực, trong đó có Iran, cũng như gặp cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

1.jpg -0
Tổng thống Mỹ Joe Biden lên máy bay đến Israel. Ảnh AP.

Ông Biden sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas vào ngày 15/7, đánh dấu lần tiếp xúc trực diện cấp cao nhất giữa lãnh đạo Mỹ và Palestine kể từ nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Sau đó, Tổng thống Biden sẽ đáp chuyến bay thẳng từ Israel đến Jeddah, Saudi Arabia để hội đàm với các quan chức nước này và tham dự hội nghị thượng đỉnh của các đồng minh vùng Vịnh. Theo các quan chức Mỹ, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden nhằm tăng cường sự ổn định, cải thiện sự hội nhập của Israel trong khu vực và giảm thiểu ảnh hưởng của Iran, Trung Quốc và Nga tại đây. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan hồi đầu tuần khẳng định: "Chuyến thăm sẽ tăng cường vai trò quan trọng của Mỹ tại một khu vực chiến lược".

Một trong những trọng tâm trong chuyến thăm của ông Biden là các cuộc hội đàm tại Jeddah với các nhà lãnh đạo Saudi Arabia, bao gồm Thái tử Mohammed bin Salman - người bị giới tình báo Mỹ cáo buộc đứng đằng sau vụ ám sát nhà báo Jamal Khasoggi hồi năm 2018, khiến mối quan hệ hai nước bị ảnh hưởng. Cuộc gặp lần này nhận được sự chú ý của giới chính trị lẫn công chúng, đánh dấu sự thay đổi về quan điểm của Tổng thống Mỹ, người trước đây từng cho rằng Saudi Arabia "tạo điều kiện" dẫn đến cái chết của Khashoggi. Giới quan sát dự báo, ông Biden sẽ đem vấn đề nhân quyền đến các cuộc thảo luận. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, Tổng thống Mỹ "cần phía Saudi Arabia tăng sản lượng khai thác dầu để giữ giá năng lượng toàn cầu không tăng thêm".

Ngay trước chuyến thăm, trong một bài viết đăng tải trên tờ Washington Post, Tổng thống Biden cho biết về lý do ông đến thăm Saudi Arabia, đề cập đến việc ông sẽ là Tổng thống Mỹ đầu tiên bay từ Israel đến Saudi Arabia, động thái mang tính chất biểu tượng về các mối quan hệ đang được cải thiện và tiến triển hướng tới tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Nhà nước Do Thái và thế giới Arab. Chính quyền Tổng thống Biden cũng công khai ý định giúp Israel và Saudi Arabia hàn gắn quan hệ với tuyên bố rằng, các lãnh đạo khu vực có thể phối hợp, hướng tới một Trung Đông hội nhập và ổn định. Israel và Saudi Arabia từng là kẻ thù nhưng cũng là những đồng minh hùng mạnh và quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực.

Dự kiến trong chuyến thăm này, Mỹ cũng sẽ thăm dò khả năng tích hợp phòng không với một số nước ở Trung Đông. Kế hoạch có tên "Iron Beam" của Mỹ nhằm tích hợp hệ thống phòng không và tên lửa của các nước trong khu vực có thể giúp ngăn chặn và đánh chặn các cuộc tấn công của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của Tehran; giúp bảo vệ Israel, Ai Cập, Jordan, Iraq và Vùng Vịnh. Đề xuất này được Israel ủng hộ và đang thúc đẩy song song với hiệp định hòa bình với các nước Arab. Ngay cả khi hệ thống phòng không khu vực được triển khai một phần, nó sẽ nâng cao khả năng của phòng thủ Israel cũng như các nước láng giềng khác dù ở mức độ thấp hơn. Mặt khác, hệ thống này có thể là đòn bẩy giúp Mỹ thuyết phục Saudi Arabia, quốc gia thường xuyên bị tấn công, chính thức hóa quan hệ với Israel.

Dù vậy, kế hoạch của Mỹ dự kiến sẽ gặp nhiều trở ngại do chính sách an ninh quốc phòng của một số nước sẽ không cho phép việc triển khai đầy đủ hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không trong khu vực, đặc biệt là ở Saudi Arabia, Qatar, Oman, Kuwait và Iraq. Mặc dù một số nước có duy trì quan hệ an ninh, kinh tế hoặc ngoại giao bí mật với Israel, nhưng họ chưa sẵn sàng chấp nhận bình thường hóa hoàn toàn vì nhiều lý do. Thêm nữa, tại Iraq và Kuwait vẫn còn sự phản đối quyết liệt đối với việc bình thường hóa với Israel. Điều này có nghĩa là các nước này nhiều khả năng chưa thiết lập quan hệ chính thức với Israel trong tương lai gần. 

Kế hoạch của Mỹ cũng bị Iran chỉ trích. Tehran cho rằng việc Washington muốn tích hợp hệ thống phòng không của các đồng minh ở khu vực Trung Đông là "mối đe dọa", chỉ có lợi cho Israel, làm gia tăng căng thẳng và gây chia rẽ trong khu vực. Tuyên bố này được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani đưa ra ngay trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Biden.

Duy Tiến (TH)
.
.
.