Cái “bắt tay” để tạo đối trọng với phương Tây

Thứ Bảy, 17/09/2022, 08:45

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cuối tháng 2 năm nay. Cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan tạo cơ hội cho Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm ảnh hưởng, trong khi Tổng thống Vladimir Putin có thể chứng minh mối quan tâm của Nga với khu vực châu Á

Tạo sự đối trọng

Điện Kremlin khẳng định, cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga “có ý nghĩa đặc biệt” trong tình hình địa - chính trị hiện nay.

Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, cuộc gặp diễn ra tốt đẹp. Cả Moscow và Bắc Kinh hoàn toàn nhất trí trong các đánh giá về tình hình quốc tế. Theo ông, hai nước không có sự khác biệt và sẽ tiếp tục phối hợp hành động của mình, kể cả tại Đại hội đồng Liên hợp quốc sắp tới.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Ủy ban của Duma Quốc gia về các vấn đề quốc tế Dmitry Novikov đánh giá rằng, “Bắc Kinh và Moscow thể hiện mức độ hiểu biết lẫn nhau cao về một số vấn đề chính trị có ý nghĩa đối với các bên, dựa trên sự hợp tác kinh tế ngày càng tăng và mong muốn xây dựng một hệ thống quan hệ bình đẳng hơn trên trường quốc tế”.

Ông nhấn mạnh: “Điều rất quan trọng là quan hệ giữa Nga và Trung Quốc được củng cố bởi sự phát triển kinh tế. Thương mại đang phát triển”. Đặc biệt, thanh toán trong khuôn khổ hợp tác giữa Trung Quốc và Nga bằng đồng tiền quốc gia đang tăng lên và tỷ trọng của đồng USD đang giảm dần. Điều đó tự nó là quan trọng. Về phần mình, người đứng đầu Hội đồng Nga về các vấn đề Quốc tế Andrey Kortunov cho biết: “Đối với Nga, Trung Quốc là một đối tác chiến lược cả trong lĩnh vực thương mại, kinh tế và quân sự - chính trị. Trung Quốc không tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Đồng thời, giống như Nga, Trung Quốc đang chịu áp lực của phương Tây. Ở đây, có sự trùng hợp về lợi ích giữa Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình, do đó mong muốn đối phó lại phương Tây là điều hiển nhiên. Sự đối đầu giữa Mỹ và phương Tây là điều gắn kết Nga và Trung Quốc".

Cái “bắt tay” để tạo đối trọng với phương Tây -0
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaa Khurelsukh bên lề Hội nghị Thượng đỉnh SCO ở Samarkand, Uzbekistan ngày 15/9. Ảnh: Reuters

Về phía Trung Quốc, các nhà phân tích nước này cho rằng, cuộc gặp Thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Trung - Nga cho thấy mối quan hệ bền chặt giữa hai bên và là một đảm bảo quan trọng cho sự phát triển ổn định và vững chắc của quan hệ song phương trong thời gian tới, báo hiệu rằng mối quan hệ Trung - Nga sẽ không bị ảnh hưởng bởi những ồn ào bên ngoài. Đồng thời cũng cho thấy sự cảnh giác cao độ của Trung Quốc trước những nỗ lực của Mỹ và phương Tây nhằm gắn Bắc Kinh và Moscow thành một khối chính trị quân sự, chia rẽ hai nước với phần còn lại của thế giới.

Theo giới chuyên gia Trung Quốc, cuộc trao đổi trực tiếp giữa nguyên thủ Trung Quốc và Nga - hai cường quốc láng giềng và là các thành viên quan trọng của SCO có ảnh hưởng toàn cầu - không chỉ quan trọng đối với sự phát triển ổn định của quan hệ song phương, mà còn có những tác động to lớn đối với hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Nga và Trung Quốc đang củng cố liên minh chiến lược của họ.

Cuộc gặp trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước bên lề lần này cho thấy, họ vẫn tuân thủ chính sách về một thế giới đa cực và sẵn sang ủng hộ nhau trong các tình huống khủng hoảng.

Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Toàn diện về châu Âu và Quốc tế tại Trường Đại học Kinh tế - Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga Dmitry Suslov cho rằng, hiện nay có sự gia tăng độc lập của các quốc gia phi phương Tây, điều này thúc đẩy đáng kể sự hình thành một thế giới đa cực.

Theo ông, chất lượng và cường độ quan hệ của Nga với Trung Quốc, Ấn Độ và các trung tâm phi phương Tây khác sẽ quyết định sức mạnh kinh tế và sự tồn tại của Nga với tư cách là một cường quốc. Do đó, cuộc gặp của Tổng thống Vladimir Putin với Chủ tịch Tập Cận Bình và cả Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi lần này sẽ trở thành biểu tượng sống động của trật tự thế giới đa cực. Việc tăng cường quan hệ của Nga với Trung Quốc và Ấn Độ sẽ khẳng định sự bất lực của phương Tây trong cuộc đối đầu toàn cầu.

Điều gì khiến quan hệ kinh tế Nga - Trung ngày càng bền chặt?

Thứ nhất, thương mại Nga - Trung đang bùng nổ. Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, số tiền Trung Quốc chi để mua hàng hóa Nga đã tăng 60% trong tháng 8 so với một năm trước, đạt 11,2 tỷ USD, vượt qua mức tăng 49% của tháng 7.

Trong khi đó, hàng hóa Trung Quốc xuất sang Nga đã tăng 26% lên 8 tỷ USD trong tháng 8, cũng tăng tốc so với tháng trước. Trong 8 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Trung Quốc và Nga đã tăng 31% lên 117,2 tỷ USD. Con số đó đã là 80% tổng số của năm ngoái vốn đã ở mức kỷ lục 147 tỷ USD. Đối với Trung Quốc, Nga hiện chiếm 2,8% tổng kim ngạch thương mại của nước này, cao hơn một chút so với mức 2,5% vào cuối năm ngoái. Liên minh châu Âu và Mỹ có tỷ lệ cao hơn nhiều. Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trước cuộc xung đột ở Ukraine và chiếm 16% tổng kim ngạch ngoại thương của nước này.

Thứ hai, cuộc xung đột ở Ukraine cũng khiến nhu cầu đối với đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc tăng vọt ở Nga, sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đã phần lớn cắt đứt Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu và hạn chế nước này tiếp cận đồng USD và Euro. Giao dịch NDT trên Sàn giao dịch chứng khoán Moscow chiếm 20% tổng khối lượng giao dịch của các đồng tiền chính trong tháng 7, tăng từ 0,5% trong tháng 1. Khối lượng giao dịch hàng ngày theo tỷ giá đồng NDT - ruble cũng đạt kỷ lục mới vào tháng trước, vượt qua giao dịch đồng USD – ruble lần đầu tiên trong lịch sử.

Theo hệ thống SWIFT, Nga là thị trường lớn thứ ba trên thế giới về các khoản thanh toán bằng đồng NDT bên ngoài Trung Quốc đại lục vào tháng 7, sau Hong Kong (Trung Quốc) và Anh. Vào tháng 2, Nga thậm chí còn không xuất hiện trong danh sách 15 thị trường NDT hàng đầu của SWIFT. Các công ty và ngân hàng của Nga cũng đang ngày càng chuyển sang sử dụng đồng NDT để thanh toán quốc tế.

Tuần trước, tập đoàn dầu Gazprom của Nga cho biết họ sẽ bắt đầu thanh toán cho Trung Quốc bằng đồng NDT và đồng ruble trong hợp đồng mua bán khí đốt tự nhiên, trong khi Ngân hàng VTB của Nga cho biết họ đang triển khai chuyển tiền cho Trung Quốc bằng đồng NDT. Đối với Bắc Kinh, đó là động lực thúc đẩy tham vọng đưa đồng nhân dân tệ trở thành tiền tệ toàn cầu.

Và thứ ba, các công ty Trung Quốc lấp đầy khoảng trống ở Nga. Những công ty này đang tận dụng lợi thế khi các thương hiệu phương Tây rời khỏi Nga.

Điện thoại thông minh Trung Quốc chiếm 2/3 tổng doanh số bán mới tại Nga từ tháng 4 đến tháng 6. Tổng thị phần ở Nga đã tăng đều đặn từ 50% trong quý đầu tiên, lên 60% vào tháng 4 và sau đó lên hơn 70% vào tháng 6.

Xiaomi là nhà sản xuất điện thoại thông minh bán chạy nhất ở Nga vào tháng 7, nắm giữ 42% thị trường. Samsung chỉ chiếm 8,5% thị phần trong tháng 7. Apple nắm giữ 7%. Hai công ty này đã chiếm gần một nửa thị trường Nga trước cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng đã ngừng bán các sản phẩm mới tại nước này sau đó. Ôtô Trung Quốc cũng đã tràn vào Nga.

Theo cơ quan phân tích Autostat của Nga, ôtô chở khách từ các nhà sản xuất Trung Quốc chiếm gần 26% thị trường Nga trong tháng 8, mức cao nhất đã được ghi nhận. Con số này tăng vọt so với chỉ 9,5% trong quý đầu tiên. Các công ty ôtô lớn trên toàn cầu, trong đó có Ford và Toyota, đã rút khỏi Nga trong năm nay.

Khổng Hà
.
.
.