Bộ Ngoại giao Mỹ: Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với Biển Đông mơ hồ và thiếu sót

Thứ Năm, 13/01/2022, 16:14

Trong một báo cáo mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định rằng các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả “yêu sách lịch sử” của họ trên hầu hết các phần của tuyến đường thương mại quan trọng này “phá hoại nghiêm trọng pháp quyền” và các quy định được công nhận rộng rãi trong luật pháp quốc tế.

Bộ Ngoại giao Mỹ: Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với Biển Đông mơ hồ và thiếu sót -0
Tàu chiến của Anh, Nhật Bản và Mỹ trong cuộc tập trận của nhóm tàu sân bay ở vùng biển Philippines tháng 11/2021. Ảnh: SCMP

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/1 (giờ địa phương) công bố báo cáo mang tên “Giới hạn trên biển”, trong đó nhấn mạnh ngoài việc thiếu “nội dung thực chất”, tuyên bố của Trung Quốc về “quyền lịch sử” đối với vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông “còn thiếu sót vì sự mơ hồ”.

Báo cáo cho biết, Bắc Kinh “tuyên bố chủ quyền một cách bất hợp pháp đối với hầu hết Biển Đông. Vì lý do này, Mỹ và nhiều quốc gia khác đã bác bỏ những tuyên bố này để ủng hộ trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông và trên toàn thế giới”.

“Trung Quốc tuyên bố rằng các quyền lịch sử của mình được ‘luật pháp quốc tế bảo vệ’, nhưng không thể đưa ra bằng chứng pháp lý nào cho tuyên bố này”, báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định.

Trung Quốc viện dẫn cái gọi là “đường chín đoạn” để khẳng định quyền của mình đối với toàn bộ Biển Đông. Một tòa án quốc tế ở La Hay (Hà Lan) tuyên bố yêu sách này là “không có cơ sở pháp lý” dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển mà Bắc Kinh là thành viên, sau khi Philippines, quốc gia cũng tuyên bố chủ quyền trên một số phần của Biển Đông, có hành động pháp lý chống lại Bắc Kinh.

Báo cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đặt câu hỏi về tuyên bố “chủ quyền” của Trung Quốc đối với hơn 100 địa điểm ở Biển Đông bị nhấn chìm dưới mặt nước khi thủy triều lên. “Những tuyên bố như vậy không phù hợp với luật pháp quốc tế, theo đó các địa điểm như vậy không phải là đối tượng của yêu sách chủ quyền hợp pháp hoặc có khả năng tạo ra các vùng biển như lãnh hải”.

Trung Quốc đã và đang sử dụng các tuyên bố chủ quyền đối với các đối tượng địa lý như vậy để vẽ hoặc khẳng định quyền vẽ “đường cơ sở thẳng” và tuyên bố chủ quyền lãnh hải.

Mỹ cho biết “không đảo nào trong ‘nhóm đảo’ mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền” ở Biển Đông đáp ứng các tiêu chí địa lý để sử dụng các đường cơ sở thẳng theo Công ước LHQ.

Tiến Dũng (Biên dịch theo Al Jazeera)
.
.
.