Vị trí của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông

Thứ Bảy, 20/11/2021, 10:45

Việc lấy ASEAN làm trung tâm không chỉ là triết lý chung chung mà còn là thực tế địa lý khi các nước ASEAN nằm giữa 2 đại dương lớn.

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng với sự giao thoa xung đột giữa nhiều cường quốc lớn. Hàng loạt các liên minh đa phương đã được hình thành và cải cách nhằm ứng phó với những thách thức mới như nhóm Bộ Tứ (QUAD) và AUKUS.

Trọng tâm cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc ngày càng dịch chuyển trọng tâm về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo ông Sujan Chinoy, Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Nhật Bản, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar, New Delhi, trong quá khứ, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từng chứng kiến sự hiện diện của nhiều cường quốc lúc bấy giờ như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh và Pháp nhằm khai thác lợi ích.

Vị trí của ASEAN trong giải quyết vấn đề Biển Đông -0
Ông Sujan Chinoy phát biểu tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13.

Với vị trí nằm giữa 2 đại dương lớn, ASEAN có vị trí chiến lược trung tâm quan trọng. Những năm gần đây, ASEAN đã có sự tách biệt giữa sự phụ thuộc về kinh tế với những lựa chọn giải pháp nhằm đảm bảo an ninh. Chuyên gia này đánh giá, việc lấy ASEAN làm trung tâm không chỉ là triết lý chung mà còn là thực tế địa lý. Tuy nhiên, vấn đề khai thác tài nguyên và việc kết nối các tuyến đường biển đang ngăn chặn ASEAN đạt được sự đồng thuận. Vì thế, ASEAN cần tăng cường sự nhất trí để hỗ trợ giải quyết tranh chấp cũng như xây dựng tiếng nói chung.

Về vấn đề Biển Đông, cựu Đại sứ Sujan Chinoy nhận định, có nhiều sự cạnh tranh đang diễn ra ở Biển Đông. Các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đã bị nhiều nước Đông Nam Á phản đối. Giữa bối cảnh các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc gây gia tăng căng thẳng, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là khuôn khổ pháp lý duy nhất để giải quyết các tranh chấp.

Dù vậy, việc phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) không được Trung Quốc thực thi cho thấy UNCLOS cần được xây dựng mang tính bao trùm hơn và có những quy định yêu cầu các quốc gia phải tuân thủ. Chuyên gia này đánh giá, việc phán quyết của PCA năm 2016 gây bất lợi với Trung Quốc là một diễn biến bước ngoặt thu hút sự quan tâm của nhiều bên với việc tôn trọng pháp quyền và UNCLOS. Ông Sujan Chinoy cũng nhấn mạnh, Việt Nam có quyền quan ngại về vấn đề chủ quyền lãnh thổ và tài nguyên của mình ở Biển Đông.

Trong khi đó, PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, Chủ tịch Hội Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 nhấn mạnh, ngoại giao khoa học biển là công cụ hòa bình để giảm căng thẳng và bảo vệ các lợi ích chung ở Biển Đông. Biển Đông có vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, giàu tài nguyên thiên nhiên và bao gồm những lợi ích xen kẽ. Vì vậy, Biển Đông chứa đựng những tranh chấp trên biển phức tạp và kéo dài mặc dù các bên đều nỗ lực giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, nếu không được giải quyết, căng thẳng có thể hủy hoại lòng tin chiến lược trong khu vực, đặt hòa bình, sự hợp tác và phát triển gặp rủi ro.

Giữa bối cảnh này, việc nâng cao hợp tác khoa học biển ở Biển Đông có ý nghĩa cấp bách. Việc này đòi hỏi sự tăng cường hợp tác, chia sẻ và giảm căng thẳng giữa bối cảnh ngoại giao khoa học biển (marine science diplomacy) được coi là một công cụ hòa bình để xây dựng lòng tin, góp phần vào làm giảm căng thẳng, ứng phó với rủi ro và bảo vệ các lợi ích chung ở Biển Đông. Sự hợp tác khoa học biển ở Biển Đông được xác định là vấn đề ít nhạy cảm hơn, được khuyến khích trong UNCLOS nhằm giải quyết các tranh chấp trên biển.

Vấn đề này cũng được thông qua trong Tuyên bố về ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC), đã được chính phủ các nước thành viên ASEAN và chính phủ Trung Quốc ký kết. Điều 6 của DOC nhấn mạnh, trong khi chờ đợi một sự dàn xếp toàn diện và bền vững những tranh chấp, các bên liên quan có thể tìm kiếm hoặc tiến hành các hoạt động hợp tác, trong đó có nghiên cứu khoa học biển (khoản b).

Dù vậy, sự hợp tác khoa học đang đối mặt với những khó khăn và thách thức căn bản như: Sự khác biệt về nhận thức chung và ý chí chính trị của các bên; thiếu cơ chế khu vực để thúc đẩy hợp tác về khoa học biển; sự không rõ ràng trong mục đích dân sự và quân sự của các nghiên cứu trên biển; việc thực hiện các thỏa thuận đã ký kết, trong đó có sự hợp tác về khoa học biển vẫn hạn chế... Để thúc đẩy sự hợp tác khoa học biển ở Biển Đông và thúc đẩy vai trò chủ động, trách nhiệm của các nước tiên tiến trong khoa học biển, các bên cần tuân thủ các nguyên tắc hợp tác sau: Bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp khu vực và quốc tế, trong đó có UNCLOS, góp phần vào duy trì các vùng biển hòa bình và thịnh vượng.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi đề xuất một số giải pháp cụ thể như phát triển các tổ chức khu vực ở Biển Đông để đưa ra tham vấn, hợp tác và thúc đẩy hợp tác khoa học biển vì lợi ích chung của các bên, góp phần thực hiện UNCLOS và DOC; - Thiết lập và vận hành cơ chế khu vực để thúc đẩy sự hợp tác thực chất và hiệu quả qua “Ngoại giao Khoa học Biển”, tạo điều kiện cho các sáng kiến nhằm giải quyết các hành vi vi phạm liên quan đến điều gọi là “Các cuộc điều tra khoa học biển”; Xen kẽ Mục tiêu Phát triển Bền vững 14 về biển đảo vào các chương trình và dự án hợp tác khoa học biển ở Biển Đông; - Cải thiện vai trò của Tiểu ban IOC khu vực Tây Thái Bình Dương (IOC/WESTPAC) trong việc ủng hộ sự hợp tác ở Biển Đông; thực hiện thành công hợp tác khoa học biển nhằm xây dựng Biển Đông hòa bình.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.