Bế tắc chính trị một lần nữa bủa vây Israel?

Thứ Ba, 17/01/2023, 07:36

Tổng thống Israel Isaac Herzog cảnh báo quốc gia Trung Đông có thể rơi vào một cuộc “khủng hoảng hiến pháp”, trong bối cảnh làn sóng biểu tình lan rộng liên quan đến kế hoạch cải cách tư pháp quyết liệt mà chính phủ liên minh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu theo đuổi.

Hãng tin Reuters ngày 16/1 (giờ Hà Nội) dẫn lời Tổng thống Israel Isaac Herzog cho biết, ông đang nỗ lực hết sức để thúc đẩy đối thoại giữa các phe phái, nhằm tìm kiếm giải pháp khả dĩ nhất nhằm “ngăn nguy cơ một cuộc khủng hoảng hiến pháp lịch sử và ngăn chặn đà chia rẽ đang lan rộng” ở quốc gia Trung Đông, trong bối cảnh các cuộc biểu tình nổ ra tại nhiều khu vực để phản ứng với kế hoạch cải cách tư pháp được chính phủ vừa thành lập của Thủ tướng Benjamin Netanyahu ban bố. “Chúng ta đang vướng vào bất đồng sâu sắc. Sự xung đột này khiến tôi và nhiều người Israel vô cùng lo ngại”, Tổng thống Herzog nhấn mạnh.

Ông Netanyahu mới trở lại vị trí Thủ tướng Israel từ cuối năm ngoái nhờ sự ủng hộ của các chính trị gia cực hữu trong Knesset, tức Quốc hội Israel. Đây là lần thứ 6 ông đảm nhiệm cương vị người đứng đầu nội các. Chính phủ liên minh mà ông thành lập được đánh giá là thiên hữu nhất trong lịch sử nước này. Hồi đầu tháng 1/2023, chính phủ của ông đã công bố kế hoạch tiến hành cải cách tư pháp, bao gồm việc trao quyền để quốc hội có thể đảo ngược phán quyết của tòa án tối cao nếu quyết định đó nhận được sự ủng hộ của quá 50% nghị sĩ. Kế hoạch mới cũng cho phép các nghị sĩ có nhiều ảnh hưởng hơn trong bổ nhiệm thẩm phán ở tòa án tối cao.

Bế tắc chính trị một lần nữa bủa vây Israel? -0
Người biểu tình xuống đường phản đối kế hoạch cải cách của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: GettyImages

Những người ủng hộ ông Netanyahu và phe cánh hữu trong Quốc hội Isreal tin rằng, động thái kể trên là cần thiết giúp thể hiện sức mạnh của quốc hội, nhưng không ít người dân, chính trị gia đối lập và các quan chức tòa án tối cao lo ngại kế hoạch của Chính phủ Israel gây mất cân bằng quyền lực, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ tham nhũng và hạn chế quyền của các nhóm người thiểu số. Những ngày qua, các cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều thành phố để phản đối kế hoạch của ông Netanyahu.

Đỉnh điểm, ngày 14/1 (giờ địa phương), hơn 80.000 người đã đổ xuống các tuyến đường ở thủ đô Tel Aviv bất chấp trời mưa to như trút nước, đánh dấu một trong những cuộc biểu tình lớn nhất ở Israel trong nhiều năm gần đây. Phần lớn các cuộc biểu tình kết thúc ôn hòa, nhưng đã xảy ra một số vụ đụng độ giữa đám đông quá khích và cảnh sát. Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Ben Gvir đã yêu cầu lực lượng an ninh sẵn sàng hành động trong trường hợp bất ổn nổ ra.

Theo truyền thông khu vực, Tổng thống Herzog dành cả tuần trước nỗ lực thúc đẩy các đảng phái cánh hữu và cánh tả ngồi vào bàn đối thoại nhưng dường như chưa có tiến triển. Trước áp lực từ phe đối lập, ông Netanyahu hứa tiến hành các “cuộc thảo luận thấu đáo” tại một ủy ban của quốc hội.

“Chúng tôi sẽ hoàn thành luật cải cách để sửa chữa những thứ cần được sử chữa, (nhưng) sẽ bảo vệ đầy đủ các quyền cá nhân và khôi phục lòng tin của công chúng vào hệ thống tư pháp”, ông nói. Tuy vậy, Thủ tướng Netanyahu khẳng định ông sẽ không khuất phục trước người biểu tình. Ông tuyên bố: “Hai tháng trước đã có một cuộc tuần hành lớn hơn nhiều. Hàng triệu người xuống đường nhưng là để bỏ phiếu bầu cử. Một trong những nội dung mà cử tri bỏ phiếu ủng hộ chúng tôi - đó là việc cải cách hệ thống tư pháp”.

Từ phía phe đối lập, cựu Thủ tướng Israel Yair Lapid kêu gọi, cần phải có một cuộc trưng cầu dân ý về những cải cách lớn kể trên để đa số dân chúng được bày tỏ ý nguyện. Ông cho rằng, người dân đã không có lựa chọn đó trong cuộc bầu cử hồi tháng 11/2022. Ông Lapid cũng đề xuất, trong trường hợp quốc hội muốn bác bỏ một phán quyết của tòa án tối cao thì quyết định đó phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 70 /120 ghế tại quốc hội thay vì 61 ghế như kế hoạch ban đầu, bao gồm ít nhất 10 phiếu đến từ các chính trị gia đối lập.

Vẫn chưa rõ liệu ông Netanyahu sẵn sàng nhượng bộ đến đâu trong bối cảnh căng thẳng chính trị có dấu hiệu nhen nhóm trở lại. Liên minh cánh hữu của ông Netanyahu hiện có 64 ghế ở quốc hội. Những người biểu tình cảnh báo họ sẽ tiếp tục xuống đường chừng nào yêu cầu được đáp ứng. CBSNews cho biết, các cải cách tư pháp sâu rộng được ông Netanyahu công bố vào thời điểm mà cá nhân ông cũng đang đối mặt với cáo buộc tham nhũng và vẫn phải hầu tòa, dù ông bác bỏ mọi cáo buộc chống lại mình. Giới quan sát cảnh báo, trong trường hợp bất đồng chính trị ở Isreal không sớm được giải quyết hài hòa, nó có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng mới với nhiều hệ lụy khó đoán định. Cần lưu ý rằng, chính phủ của ông Netanyahu chỉ mới được thành lập chưa đầy một tháng và Israel đã phải trải qua tới 5 kì tổng tuyển cử chỉ trong vòng hơn hai năm qua.

Thái Hà
.
.
.