Vì lợi nhuận, app “tín dụng đen” bủa vây cả đối tượng nghiện ma tuý, cờ bạc
“Tín dụng đen” không chỉ bủa vây những người khó khăn, mà để thu lợi nhuận một cách bất chính, mà còn “quây” cả các đối tượng cần tiền như: đối tượng cờ bạc, nghiện ma túy, rượu bia, ăn chơi sa đọa...
Đối tượng nghiện ma túy, cờ bạc, rượu chè là những người lười lao động, không làm ra tiền nhưng nhu cầu cần tiền lại rất lớn. Để có tiền đáp ứng nhu cầu của mình, số người thuộc thành phần này rất dễ tìm đến vay “tín dụng đen” vì thủ tục đơn giản, không cần tài sản thế chấp, tiền lại nhanh vào túi. Vì thế, nhiều hệ lụy đã xảy ra. Và chịu hậu quả nhất vẫn là những người thân của các con bạc hay đối tượng nghiện ma túy vay “tín dụng đen”.
Chị H năm nay 50 tuổi nhưng nhìn chị tiều tụy, đen đúa và khắc khổ như một bà già 70 tuổi. Có lẽ cuộc sống quá vất vả và khó khăn đã khiến chị già nhanh đến thế. Con đã lớn, mỗi người làm một nghề, nhưng cái khó vẫn đeo bám chị, vì các con cũng chỉ làm nghề đơn giản, kiếm tiền đủ nuôi thân. Mấy tháng trước, chồng chị mất vì ma túy, khi cả đời anh chồng phần nhiều “vùi đầu” vào cờ bạc và ma túy. Vốn có ngoại hình không được đẹp, lại chậm chuyện lập gia đình nên khi lấy anh, chị nghĩ anh có gia đình sẽ thay đổi và chu toàn với vợ con, gia đình. Nhưng cờ bạc như thứ đã ăn vào trong máu, anh vẫn chứng nào tật nấy, có lúc bỏ nhà đi cả tuần liền không về, bỏ mặc vợ và đám con nhỏ tự chăm sóc nhau. Ăn ở, “hút hít” cả tuần ở nhà người ta, thi thoảng lắm anh mới về nhà. Nhưng về đến nhà cũng chỉ ngủ, còn việc nhà, con cái ra sao anh không hề biết. Người anh quắt như cái cây khô, môi thâm, mắt trũng lại vì chơi cờ bạc và ma túy thâu đêm. Chán cảnh, chị cũng coi như không có, chỉ lầm lũi làm ăn nuôi con. Thế nhưng, cứ ăn chơi sa đọa như thế thì tiền núi cũng lở. Anh vướng “tín dụng đen” cả tỉ đồng mà không có cách nào trả. Chị H nói, anh mất được 3 tháng thì mẹ con chị phải dắt díu nhau về nhà ngoại ở, ngôi nhà của anh chị phải gán nợ “tín dụng đen”. Hai đứa lớn đi lấy chồng, còn chị với cậu con út ở với ông ngoại. Cuộc sống với chị sao mà buồn khôn tả xiết.
Còn chị P cũng có hoàn cảnh đau xót không kém, khi chị lấy chồng mà chẳng được nhờ chồng. Giờ chị xác định có chồng cũng như không. “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, nhưng anh chồng chị cũng tối ngày chơi bạc, chỉ khi thua cháy túi mới thất thểu về nhà.
Một ngày, anh ta về nhà, đòi bằng được khoản tiền mà gia đình chị được đền bù khi bị mất ruộng. Anh ta nói rằng, phần ruộng của anh ta thì trả tiền cho anh ta. Chị P không đồng ý vì tiền đó còn để dành nuôi con. Hăm dọa không được, anh ta bỏ đi. Chẳng ngờ, vài hôm sau, anh ta cầm về một cọc tiền khoảng 20 triệu đồng. Cứ nhìn thấy anh ta có tiền là chị P sợ, sợ anh ta đi vay người thân, hay đi trộm cắp ở đâu đó, rồi có tiền chỉ đắm chìm vào cờ bạc. Nhưng anh ta nói tiền đó mình đi vay lãi cao. Nếu chị không bỏ tiền ra trả, sau sẽ phải bán nhà mà trả lãi, lúc đó đừng có trách. Cuối cùng thì kết cục xấu đã xảy ra, khi lãi mẹ chồng lãi con, số tiền vay của chồng chị P lên đến hàng trăm triệu đồng, bị các đối tượng đến khủng bố, ép trả nợ, không chịu nổi, chị P đã phải bán nhà trả nợ cho chồng, mấy mẹ con dắt díu nhau đi thuê nhà để ở.
Cờ bạc, ma túy, “tín dụng đen” đã lấy đi của chị P và chị H cuộc sống, tiền bạc và lấy đi cả chính người chồng của các chị. Giờ đây, chồng mất, nhà cũng mất, cuộc sống của chị H chẳng còn gì để trông chờ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, rất nhiều vụ vay “tín dụng đen” có “chủ thể nợ” là các đối tượng đánh bạc, chơi ma túy. Vì vậy hệ lụy kéo theo là rất lớn. Những vụ trốn nợ, rồi khủng bố, đòi nợ đối với các đối tượng vay dạng này cũng sẽ phức tạp và khốc liệt hơn, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội. Kéo theo đó, còn rất nhiều thảm cảnh mà người thân của các con nợ mang chữ “nghiện” này phải gánh chịu. Chính vì thế, khi chúng tôi đăng loạt bài về vấn nạn vay tiền qua app “tín dụng đen”, rất nhiều độc giả đã commetn bên dưới, đề nghị các cơ quan chức năng sớm dẹp bỏ các app này, có người gọi là các app “hút máu”, có lẽ cũng chẳng sai!