App “tín dụng đen” đã tràn đến vùng sâu Tây Nguyên

Thứ Sáu, 29/10/2021, 19:52

Có thể nói, do sử dụng công nghệ cao, cho vay trên ứng dụng online qua các mạng xã hội rất dễ dàng, nên “vòi bạch tuộc” của các app “tín dụng đen” đã len lỏi khắp nơi, tìm về cả các vùng quê, thậm chí ở những nơi xa xôi nhất. Gần đây, trên Báo Đắk Lắk cũng đã cảnh báo về tình trạng người dân trong tỉnh bị sập bẫy “tín dụng đen” khi vay tiền qua các app cho vay online.

Các nạn nhân tại Đắk Lắk cũng vì hoàn cảnh khó khăn về tài chính nên khi thấy các app cho vay tài chính trên mạng quảng cáo hấp dẫn: vay tiền nhanh, lãi suất thấp, không cần thế chấp đã dễ dàng sập bẫy. Chỉ đến khi vướng vào vòng xoáy vay, trả nợ, không trả hết nợ, lại vay… họ mới ân hận nhưng không thoát ra được.

Chị T.T.M ở xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc, là một nạn nhân của các app “tín dụng đen”. Chị kể rằng, đầu tháng 6/2021, chị cần một khoản tiền để giải quyết việc gia đình. Chị lướt trên mạng, thấy có app cho vay tiền nhanh, lãi suất thấp, chị M nhấn vào tìm hiểu. Ngay sau khi chị cho số điện thoại, nhân viên của app đó đã liên hệ với chị và tư vấn mức vay 3 triệu đồng trong 1 tuần với lãi suất 400 nghìn đồng. Do cần tiền gấp nên chị M đã âm thầm tải app về vay. Theo yêu cầu của nhân viên app này, chị M phải cung cấp thông tin cá nhân (địa chỉ, 2 số điện thoại người thân, chứng minh nhân dân…) và không phải thế chấp tài sản. Cũng rất nhanh sau đó, chị M được giải ngân. Tuy nhiên, chị chỉ được nhận 1,8 triệu đồng từ app. Khi chị thắc mắc thì được người của app thông báo rằng, tổng số tiền phải trả là 5,5 triệu đồng. Vào thế đã rồi, chị M đành chấp nhận.

Khi đến hạn trả nợ, do chưa gom được tiền trả nên chị M bị bộ phận thu nợ gọi điện ráo riết đòi khiến chị mất ăn, mất ngủ. Trong lúc đó, lại có người gọi điện cho chị M, nói sẽ giúp chị đáo hạn bằng cách giới thiệu cho chị app mới để vay. Cứ thế, chị M đã sa chân vào vay 3 app, số nợ lên đến 50 triệu đồng thì mới biết mình bị rơi vào bẫy của “tín dụng đen”.

becae352-1645-4555-b787-c8a44936a83e.jpeg -0
Công an Đắk Lắk bắt giữ 2 đối tượng hoạt động “tín dụng đen” (Ảnh Công an tỉnh Đắk Lắk).

Cũng giống như chị M, cuộc sống của chị L.T.T.T ở thị trấn Ea Poosk, huyện Cư M Gar đã bị đảo lộn từ khi sa vào chuyện vay app “tín dụng đen”. Chị T cho biết, năm 2019, trong một lần lướt facebook, chị thấy hiện lên ứng dụng cho vay tiền không tính lãi suất. Chị tò mò vào tìm hiểu và được hướng dẫn tải app về điện thoại. Hạn mức vay ban đầu là 500 nghìn đồng trong vòng 1 tuần không tính lãi. Lần vay đầu, chị trả đúng hẹn nên không có vấn đề gì xảy ra. Chị được mời chào vay tiếp với hạn mức 3 triệu đồng và lãi suất ưu đãi. Tin vào lời dẫn dụ các nhân viên tư vấn của app, chị cứ “lún sâu” dần, không trả được khoản trước thì lại được tư vấn vay app khác để đáo nợ. Cứ thế, giờ chị đã sa vào bẫy “tín dụng đen” này với khoản nợ gần 100 triệu đồng. Mất khả năng trả nợ, chị T liên tục bị nhóm đòi nợ tra tấn tinh thần khiến chị luôn bị căng thẳng, lo sợ. Vì có danh bạ điện thoại của chị nên nhóm đòi nợ còn gọi điện, nhắn tin đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp của chị để khủng bố tinh thần chị, nhằm ép chị trả nợ. Các đối tượng còn gọi điện cho mẹ chị ở quê đe dọa, khiến bà cũng bất an, lo lắng cho chị. Do vẫn chưa trả hết nợ nên lúc nào chị T cũng phải sống trong tình trạng bị khủng hoảng tinh thần. Chị rất ân hận, vì sự sa chân của mình mà không chỉ bản thân bị đe dọa, mà còn ảnh hưởng đến người thân, bạn bè.

Giờ đây, internet đang phủ sóng ở khắp mọi nơi, cả những vùng sâu, vùng xa. Ở những nơi này, do sự hạn chế về hiểu biết, các cách tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại hình “tín dụng đen” chưa tiếp cận được nhiều với người dân nên họ càng dễ bị sa vào các bẫy “tín dụng đen”. Vì thế, tuyên truyền cho người dân tranh xa các app cho vay tiền không phép, hoạt động theo kiểu “tín dụng đen” là điều rất cần thiết. Nếu người dân có nhu cầu vay tiền thực sự, cần tìm đến các ngân hàng hay các công ty tài chính đã được cấp phép hoạt động…

Hoàng Châu
.
.
.